TT- Huế: Người dân bỏ chợ, họp đường










Hiện ở TT-Huế, tình trạng một số chợ đầu tư tiền tỷ nhưng vẫn không phát huy hết hiệu quả, dẫn đến các hệ thống điện bị hư hỏng, mái lợp không đảm bảo… tiểu thương “mượn” tỉnh lộ 4B để buôn bán. Công trình trên 1 tỷ đồng xuống cấp theo thời gian.



Chợ vắng hoe.




Trơ trọi chợ mới xây



Chợ Phong Chương, xã Phong Chương (huyện Phong Điền) được xây dựng năm 2005, đến năm 2007 mới đưa vào sử dụng do thay đổi nhiều nhà thầu. Chợ được xây dựng dựa vào nguồn vốn của Chương trình bãi ngang 500 triệu đồng và UBND huyện Phong Điền hỗ trợ 400 triệu đồng, tuy nhiên đến nay mới hoàn thành phần đình chợ. Chợ xây dựng cạnh tỉnh lộ 4B, có diện tích khoảng 2.000m2, nhìn bề ngoài khá khang trang, tuy nhiên bên trong chỉ một vài tiểu thương buôn bán. Hiện đình chợ cũng đang xuống cấp theo thời gian.



Theo ông Nguyễn Thế Giáp – Chủ tịch UBND xã Phong Chương, mặc dù chợ hoàn thành đã lâu nhưng các hệ thống nước sạch, thoát nước, nhà vệ sinh, bãi rác… vẫn chưa có, do vậy các tiểu thương rất ngại vào buôn bán tại chợ. Hiện UBND xã đã phân chợ thành 60 lô, trước mắt xã khuyến khích người dân đến buôn bán.



Theo tỉnh lộ 4B về phía Nam khoảng 8km, chợ Quảng Lợi, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) được xây dựng giữa năm 2006 với tổng kinh phí đầu tư 1,3 tỷ đồng gồm đình chợ, hệ thống tường rào và sân; đầu năm 2007 hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đến nay, chợ đã xuống cấp thảm hại, không thu hút được các tiểu thương đến buôn bán và ngày càng vắng vẻ. Chợ được thiết kế hai tầng chia làm 28 ki-ốt, nhưng chỉ có 4 ki-ốt được tiểu thương thuê buôn bán, còn lại phần gác 2 do không có BQL chợ nên phải bỏ trống.



Cách chợ Quảng Lợi khoảng 6km theo tỉnh lộ 4B là chợ Quảng Phước (huyện Quảng Điền), được xây dựng đầu năm 2008 với kinh phí gần 2,2 tỷ đồng, đến cuối năm 2008 đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến nay chỉ có 5 tiểu thương buôn bán gia cầm tham gia, do UBND huyện Quảng Điền quy hoạch không cho buôn bán gia cầm trong nội thị, nên vậy số hộ kinh doanh gia cầm này mới được chuyển về đây, ngoài ra không có một mặt hàng nào khác. Được biết, UBND xã Quảng Phước đã kêu gọi tiểu thương nào vào buôn bán tại chợ được hỗ trợ 20 ngàn đồng/tháng. Điều đáng nói, chợ Quảng Phước chỉ xây dựng cách Trung tâm Thương mại Quảng Điền, thị trấn Sịa hơn 1km, dẫn đến người dân chỉ đến buôn bán tại  chợ Trung tâm.



Còn người dân thì cứ lòng đường mà họp chợ.



Xuất hiện nhiều chợ “cóc” chợ tạm



Nhìn bề ngoài các chợ đều khá khang trang, không hiểu sao lại không “được lòng” người tiểu thương. Trả lời thắc mắc này, bác Luân ở gần chợ Phong Chương cho biết: Hiện mới xây dựng được đình chợ, ngoài ra các hệ thống công trình phụ vẫn chưa có, mặt sân vẫn chưa được san lấp… do vậy người dân rất ngại vào buôn bán. Theo chị Phạm Thị Hoá, một tiểu thương đang thuê ki-ốt ở chợ Quảng Lợi: Chợ được xây dựng trên khuôn viên chợ “cóc” trước đây, khi xây dựng chúng tôi rất mừng vì được buôn bán ổn định, tránh mưa gió. Nhưng khi chợ đi vào hoạt động, cảnh buôn bán ngày càng ế ẩm vì chợ tạm vẫn tồn tại. Chợ mới thì có nhiều bất cập như hệ thống mái lợp không đảm bảo, trời mới mưa đã ướt hàng hoá. Chúng tôi đã đề nghị xã tu sửa lại nhưng vẫn không mấy khả quan.



Nhiều tiểu thương bán ở các chợ tạm cho biết, họ không vào chợ chính vì bán ở ngoài vừa tiện, vừa không mất thuế lại tiện cho khách mua. Quả thật, trên trục tỉnh lộ 4B từ xã Phong Chương đến Quảng Phước khoảng 15km nhưng không dưới 10 chợ tạm, làm ảnh hưởng rất lớn về giao thông đi lại và ảnh hưởng rất nhiều đến bộ mặt của xã.



Được biết, UBND xã đã nhiều lần huy động lực lượng truy quét, dẹp chợ tạm, mời các tiểu thương về chợ mới buôn bán, nhưng tình hình không mấy khả quan. Các tiểu thương cho rằng về chợ mới buôn bán khó khăn. Nhưng có lẽ một trong những nguyên nhân chính mà các tiểu thương truyền tai nhau là chợ mới dù được đầu tư nhiều tiền vẫn xuống cấp quá nhanh, được tu sửa… quá chậm, công trình phụ không đảm bảo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *