Trang chủ » Công viên, vườn hoa cây xanh Hà Nội: Cần được coi là di sản đô thị

Công viên, vườn hoa cây xanh Hà Nội: Cần được coi là di sản đô thị











Công Viên Thống Nhất cần được coi là một di sản của Hà Nội

Đó là ý kiến của Kiến trúc sư GS.TSKH Nguyễn Thế Bá, chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đối với vấn đề quản lý công viên, vườn hoa thủ đô Hà Nội vốn được dư luận hết sức quan tâm trong thời gian vừa qua.


Xâm hại công viên nên quy định là tội        


Theo Kiến trúc sư Nguyễn Thế Bá, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều biện pháp cụ thể đình chỉ và phá bỏ những vi phạm của những công trình trong công viên và không gian cây xanh như tại công viên Thủ Lệ, công viên Tuổi trẻ. Thành phố cũng đã cho khởi công cải tạo một số công viên vườn hoa trước khách sạn Hilton và Nhà hát Lớn, xây dựng vườn hoa mới ở phường Hàng Trống, phường Quang Trung (Đống Đa). Dư luận đã hoan nghênh và đánh giá rất cao những quyết định sáng suốt, tích cực của lãnh đạo TP trước những vấn đề bức xúc đã và đang xảy ra tại nhiều không gian xanh của Thủ đô (vốn thuộc loại thấp nhất thế giới, chưa đầy 2m2/người).

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra như Hà Nội đang thiếu rất nhiều cả về ý thức lẫn nội dung để mở rộng và phát triển các khu vực xanh cho Thành phố, nhất là các khu đô thị mới với các ngôi nhà cao tầng khô khan, chen chúc. Nhiều đại lộ mới được xây dựng vẫn thưa thớt những hàng cây, chưa đúng tầm về cả nội dung hình thức và cảnh quan đô thị. Nhiều công trình kinh doanh đang cố sức chiếm giữ những khoảng không gian đẹp vốn phải dành cho người dân Thành phố, kể cả những không gian bên cạnh Hồ Tây, hồ Bảy mẫu, hồ Ba mẫu, hồ Thành Công… Hà Nội đang thiếu đi những lối đi bộ dưới các luống cây xanh dọc các đại lộ mới xây dựng, dù ít nhất cũng là để kế thừa những tuyến đi bộ dọc đường Phan Đình Phùng, Lê Thánh Tông… mà Pháp đã xây dựng.

KTS Nguyễn Thế Bá cũng đặt câu hỏi: “Tại sao công viên đã xây dựng trước đây với bao nhiêu lao động công ích tự nguyện của cha anh để có một khoảng không gian xanh như Công viên Thống Nhất lại cho phép xây dựng thêm các công trình không đúng chức năng vì cộng đồng như nó vốn có? Như dự án xây dựng khách sạng Novotel o­n the park ở công viên Thống Nhất, còn công viên tuổi trẻ, khách sạn 6 sao ở công viên Yên Sở và nhiều nơi khác quanh Hồ Tây cũng có những phiền hà tương tự?

Quy hoạch xây dựng các không gian xanh, các công viên, vườn hoa cho Thủ đô Hà Nội là hết sức quan trọng, đặc biệt là khi địa giới hành chính đã phát triển nhiều lần. Hệ thống không gian xanh trong đô thị Hà Nội là bộ phận chức năng rất quan trọng của Thành phố vì lợi ích lâu dài và bền vững của cộng đồng dân cư. Đối với không gian và công viên vườn hoa trong nội thành cũ nên được coi là quỹ di sản đô thị đặc trưng để tôn tạo, phát triển, cấm mọi hình thức xâm phạm. Nhất thiết không cho phép xây dựng các công trình mang tính chất kinh doanh, không đúng mục tiêu trên các khuôn viên này. Việc xâm phạm các di sản phải được coi là tội!

Xây dựng khách sạn Novotel o­n the park là một sai lầm!

Theo PGS.TS Huỳnh Đăng Hy – Tổng thư kí Hội Quy Hoạch PT ĐT Việt Nam, thực trạng chỉ tiêu diện tích cây xanh công cộng nội thành bình quân đầu người Hà Nội chưa tới 2m2/người, năm 2006 cây xanh 9 quận nội thành bình quân có 0,9 m2/người, riêng Đống Đa, Gia Lâm chưa tới 0,05m2/người. Trong khi trên thế giới tỉ lệ này rất cao như: các thành phố ở Nhật là 7,5m2/người, Luân Đôn 26,9m2/người; Berlin 27,4m2/người; NewYork 29,3m2/người; Matscơva 24m2/người.

Theo bản “Điều chỉnh quy hoạch thủ đô Hà Nội đến năm 2020” thì thời điểm này tiêu chuẩn đất cây xanh đô thị phải đạt 16m2/người, và tổng diện tích đất công viên là 4000 ha. Hà Nội muốn đạt mục tiêu theo quy hoạch thì mỗi năm phải triển khai xây dựng mới 200 đến 250 ha đất công viên, vườn hoa, bên cạnh đó phải bảo tồn nguyên diện tích công viên, cây xanh quý giá hiện nay. Đây là một nhiệm vụ cấp bách.

KTS Huỳnh Đăng Hy lo ngại: “Đáng lo là Đồ án quy hoạch cứ treo đó, thực hiện quy hoạch đã hơn 10 năm nhưng không thấy thay đổi. Dân số Hà Nội tăng mỗi năm trung bình trên 7 vạn người mà công viên vườn hoa xây dựng rất chậm, nhiều công viên bị xà xẻo để xây dựng các công trình không đúng chức năng”. Ông chỉ rõ: “Riêng trường hợp xây dựng khách sạn Novotel o­n the park trong công viên Thống Nhất là một sai lầm. Ngay đồ án quy hoạch chi tiết sử dụng đất của quận Hai Bà Trưng năm 2000, công viên Thống Nhất đã bị cắt một mảng đất lớn để bố trí xây dựng rạp xiếc, hồ Quán gió cũng đã không đúng với Đồ án quy hoạch chung TP được Chính phủ phê duyệt năm 1998. Vì theo quy hoạch chung, công viên Thống Nhất bao gồm toàn bộ không gian đất đai giữa 4 tuyến đường Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu và đường Đại Cồ Việt. Không nên để những sai lầm nối tiếp sai lầm”.

Có nhiều ý kiến về việc khi Thủ đô mở rộng, không gian xanh của trung tâm TP cũng cần có những yêu cầu mở rộng, liệu Hồ Gươm có trở nên quá tải. Theo KTS Huỳnh Đăng Hy vấn đề này đã được đề cập đến từ rất lâu. Khu vực Hồ Tây, viên ngọc quý của thủ đô đã từng được Viện Quy hoạch đô thị – nông thôn, Bộ Xây dựng và các chuyên gia Liên Xô lập đề án trở thành trung tâm Chính trị, văn hóa, xã hội chính của Thủ đô. Đề án này đã được hội đồng Bộ trưởng phê duyệt từ năm 1981. Theo đó, Hồ Tây sẽ trở thành Công viên trung tâm lớn nhất, bao quanh công viên trung tâm có một đại lộ – phố chính trong khu trung tâm TP – để tổ chức các hoạt động cho nhân dân Thủ đô nhân các ngày lễ lớn. Bên cạnh phố chính được bố trí xây dựng nhiều công trình chính trị, văn hóa, xã hội, dịch vụ mang tầm quốc gia và quốc tế. Từ công viên trung tâm, có thể nêm cây xanh đi sâu vào các khu dân dụng, ở đó bố trí các công viên vườn hoa cấp quận… Hồ Tây hoàn toàn có thể đáp ứng được những nhu cầu là trung tâm của Hà Nội mở rộng, hơn nữa đó là trung tâm của một thành phố Xanh.

Cần tôn trọng ý kiến cộng đồng

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Kiến trúc đô thị, KTS trưởng TP Hà Nội cho rằng, Hà Nội là thành phố Vì Hòa bình thì tỉ lệ diện tích cây xanh công cộng bình quân đang là vấn đề tồn tại lớn. Trong quyết định phê duyệt quy hoạch vùng thủ đô của Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2008 xác định rõ mục tiêu phát triển phải đảm bảo hài hòa, nâng cao chất lượng đô thị, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững và bảo vệ những khu vực tự nhiên.

Trong bối cảnh hiện tại, KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh: “Để quy hoạch chi tiết cho công viên còn phải nghiên cứu cân nhắc nhiều chuyên ngành, song nguyện vọng của người dân là vấn đề cần quan tâm giải quyết”.

Theo ông, Hà Nội cần thực hiện ngay 3 nhóm giải pháp cấp bách nhất trong giai đoạn hiện nay: Sớm hoàn thiện quy hoạch chi tiết, rà soát các công viên hiện có để cung cấp thông tin cho quản lý phát triển; hoàn thiện thể chế tham gia của cộng đồng từ khâu tham gia, nghiên cứu lập quy hoạch đến quản lý khai thác sử dụng và giám sát thực hiện, cung cấp thông tin; tăng cường quản lý từ thanh tra xử lý các sai phạm đến xây dựng chương trình tổng thể để kêu gọi đầu tư.



Theo TT&VH

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.