Xe buýt TP.HCM tiếp tục tìm bài toán phát triển









Xe buýt vẫn là phương tiện chủ lực của TP.HCM ít nhất trong 5-7 năm tới. Nhưng quy hoạch, phát triển và quản lý xe buýt như thế nào lại đang là vấn đề nhức nhối của những người có trách nhiệm. Một cuộc “hội nghị diên hồng” dành cho xe buýt tổ chức ngày 24/3 tại UBND TP.HCM cũng chưa tìm được giải pháp tận gốc cho vấn đề này.





Theo số liệu của Sở GTVT TP.HCM, năm 2008 hệ thống vận tải xe buýt vận chuyển khoảng 1 triệu lượt hành khách/ngày mới chỉ đáp ứng được 5,4% nhu cầu đi lại của người dân nhưng ông giám đốc sở GTVT TP.HCM Trần Quang Phượng khẳng định rằng, số hành khách nếu tăng lên gấp 3 lần xe buýt vẫn đáp ứng được.








Xe buýt 2 tầng tại TP.HCM. Ảnh: Song Hà
 





Mặc dù có nhiều giải pháp khuyến khích người dân đi xe buýt  đã được áp dụng, trong đó UBND TP phát động chương trình cán bộ công chức đi xe buýt hồi đầu năm 2008 nhưng rồi cũng thất bại.




Những nhược điểm khi đi xe buýt tại TP.HCM là không thể bàn cãi, đó là tình trạng xe buýt không đúng giờ, luồng tuyến không hợp lý do hệ thông giao thông chằng chịt, tài xế xe buýt chạy ẩu… Thế nhưng để giải quyết triệt để tình trạng này là quá khó.




Những nỗ lực cải tiến cung cách phục vụ, phát hành nhiều loại vé tháng, vé tập ưu đãi cho đối tượng học sinh, sinh viên và công nhân…Thế nhưng đây lại là những đối tượng bị chủ nhà xe đối xử tệ nhất. Thống kê của Ban kinh tế ngân sách về thái độ của người dân đi xe buýt cho thấy, có đến 23% ý kiến cho là nhân viên xe buýt đối xử không tốt với người sử dụng loại vé này.




Trong khi đó, đây lại là những khách hàng tiềm năng sử dụng xe buýt với 32,1% người đi làm và 59,6% người đi học. Họ có thể sử dụng xe buýt nhiều nhất. Có hành trình ổn định và mức độ đi lại thường xuyên nhất. Điều nghịch lý đó là câu trả lời vì sao cho đến nay, người dân vẫn chưa mặn mà với xe buýt.




Ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM cho biết, hệ thống xe buýt đang gặp bất cập trong công tác quản lý, điều hành, xử lý vi phạm hành chính. Theo khảo sát của Ban kinh tế ngân sách về xe buýt cho thấy kết quả năm 2008 mức độ hài lòng của người dân đều giảm đi trông thấy. Thái độ phục vụ từ 75% xuống còn 67,8%, 58% cho rằng xe chạy tốc độ quá nhanh; 44,6% phản đối tài xế không dừng hẳn dễ gây tai nạn… Năm 2008 mức độ hài lòng của người dân đã giảm 29,4%, trong đó giảm nhiều nhất là vận tải hành khách công cộng.




Hiện tại, TP.HCM có quá nhiều Doanh nghiệp tham gia hoạt động xe buýt, trong đó chỉ có một công ty xe khách Sài Gòn là tương đối quy củ, phần còn lại là những hợp tác xã hoạt động theo kiểu gia đình. Chính sự làm ăn theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ này dẫn đến hệ quả chất lượng phục vụ còn nhiều yếu kém.




Thế nhưng, việc đấu thầu các tuyến xe buýt nhằm nâng cao hiệu quả và giảm trợ giá lại không được các doanh nghiệp hưởng ứng. Trong số 5 tuyến xe buýt được mời thầu trong năm 2008, thì nhiều nhất có 3 hồ sơ dự thầu, có hai tuyến không có ai nộp hồ sơ. Và điều nghịch lý là đơn vị trúng thầu lại là đơn vị đang khai thác chính tuyến xe buýt đó. TS Nguyễn Thị Bích Hằng đề nghị, nên xem xét lại việc tổ chức đấu thầu các tuyến xe buýt vì sẽ gây tốn kém rất nhiều. Chỉ nên đấu thầu những tuyến không đảm bảo yêu cầu hoạt động. Thay vào đó, nên có những đoàn tổ chức kiểm tra, rà soát lại hiệu quả hoạt động của những tuyến sau 3 năm.  




PGS, TS Phạm Xuân Mai – Trường ĐHBK TP.HCM nhận định, trong thời gian sắp tới phải khẳng định rằng xe buýt vẫn là phương tiện chủ lực trong bối cảnh các tuyến metro chưa nhìn thấy đâu. Theo TS Mai, TP cần phải cải tổ triệt để hệ thống xe buýt, phải hợp nhất các HTX xe buýt thành những công ty cổ phần hoạt động một cách chuyên nghiệp. Bên cạnh đó là việc thành lập một cơ quan quản lý vận tải công cộng có vai trò thay UBND TP chịu trách nhiệm toàn bộ quản lý và phát triển hệ thống xe buýt




Một giải pháp của TS Mai được nhiều đại biểu đồng tình là tách bạch vai trò của người tài xế xe buýt. Tài xế xe buýt phải là những người lái xe có thái độ phục vụ chuyên nghiệp. Họ không phải là chủ xe, không phải bận tâm đến chuyện xe đông hay vắng khách, họ chỉ biết phục vụ hành khách một cách tốt nhất và được hưởng lương theo tháng. 








Xe buýt TP.HCM vẫn chưa làm hài lòng người dân. Ảnh: Đoàn Thanh





Đại biểu Võ Văn Sen cho rằng, cần phải tăng cường hơn nữa hỗ trợ phát triển xe buýt. Việc hỗ trợ xe buýt bằng ngân sách là điều tất yếu. Nếu cần thiết có thể tăng cường nguồn ngân sách hỗ trợ lên thậm chí là 1000 tỷ thay vì 600 tỷ như hiện nay. Nhưng điều quan trọng là phải thực hiện một cách hiệu quả đúng như vai trò của vận tải phục vụ lợi ích cộng đồng.



Đại biểu Sen đề nghị, cần song song với phát triển xe buýt thì phải có biện pháp hạn chế xe cá nhân. Nếu cứ để tình trạng mỗi ngày TP xuất hiện thêm 1000 xe gắn máy, thì 5 năm nữa toàn bộ TP sẽ tê liệt giao thông.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *