|
Ngày 5-4, tại Hà Nội, Diễn đàn UNESCO – Trường đại học và di sản lần thứ 12 với chủ đề “Cảnh quan các đô thị lịch sử” đã diễn ra. Các đại biểu của 150 trường đại học, đến từ 65 quốc gia không chỉ trao đổi kết quả nghiên cứu về cảnh quan của các đô thị lịch sử mà còn chứng kiến tận mắt một trong những thành phố có bề dày lịch sử trên nghìn năm.
Diễn đàn do Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO, UBND thành phố Hà Nội, Trường ĐH Kiến trúc và Trường ĐH Bách khoa Valencia (Tây Ban Nha) phối hợp tổ chức, sẽ kết thúc vào ngày 10/4.
Các tham luận tại diễn đàn bàn các giải pháp, sự sáng tạo trong việc kết hợp kiến trúc đương đại một cách bền vững vào bối cảnh hiện tại.
Diễn đàn cũng tìm kiếm những ý tưởng, phương thức thông qua việc sử dụng công nghệ mới cho phép hình ảnh hóa và thể hiện ảnh hưởng của các công trình tương lai vào bối cảnh hiện tại như không gian ảo 3 chiều, xây dựng các hoạt động để bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thông qua các mạng lưới giáo dục đại học…
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đánh giá cao ý nghĩa đặc biệt của diễn đàn và mong muốn, các nhà nghiên cứu, các học giả quốc tế quan tâm, đóng góp công sức của mình vào việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Thăng Long – Hà Nội ra với thế giới. Đặc biệt với Ủy ban Di sản UNESCO trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới.
Trên thế giới hiện nay chỉ có 27 thành phố trên 1.000 năm tuổi như Thăng Long – Hà Nội. Vì thế, tham dự Diễn đàn UNESCO – Trường đại học và di sản lần thứ 12, các đại biểu không chỉ trao đổi kết quả nghiên cứu về cảnh quan của các đô thị lịch sử mà còn chứng kiến tận mắt một trong những thành phố có bề dày lịch sử trên nghìn năm.
Chủ đề “Cảnh quan đô thị lịch sử Hà Nội” dự kiến sẽ được đưa ra bàn thảo tại phiên họp toàn thể thứ 5 của hội thảo. Xung quanh việc bàn thảo chủ đề này sẽ có các hoạt động bên lề như chiếu phim “Thăng Long – Thành phố Rồng bay”, vấn đề bảo tồn và phát huy tác dụng của các khu phố cổ, khu phố cũ tại thủ đô…
Theo VNN