|
Theo ông Nguyễn Văn Lưỡng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, kết quả đợt kiểm tra lần này sẽ là cơ sở để xác định nguồn xả thải gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng cho sông Nhuệ.
Sau sự cố sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng nề dẫn đến hiện tượng làm chết hàng tấn cá, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã quyết định thành lập hai đoàn kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường đối với các cơ sở có đường xả thải ra sông Nhuệ.
32 cơ sở xả thải ra Sông Nhuệ
32 cơ sở nằm trong quyết định kiểm tra đợt này hầu hết nằm trên địa bàn hai xã Phú Diễn và Minh Khai (thuộc huyện Từ Liêm). Chỉ có 2 cơ sở nằm trên địa bàn Thành phố Hà Đông là Công ty sơn Chemial URD và Công ty TNHH Dệt may Tấn Thành – dệt nhuộm.
Hai đoàn kiểm tra sẽ đồng thời tiến hành song song các cuộc kiểm tra bắt đầu từ ngày 13/4 và kết thúc vào ngày 21/4.
Vào đầu tháng 3 vừa qua, một hiện tượng được dư luận hết sức quan tâm, đó là hàng tấn cá dọn bể đã chết nằm đen kịt hai bờ sông Nhuệ, đoạn khu vực cầu Đôi. Kết quả đo kiểm tại hiện trường và phân tích tại phòng thí nghiệm theo 7 chỉ tiêu cho thấy có 3 chỉ tiêu không đạt yêu cầu, cụ thể: hàm lượng oxy hòa tan nhỏ hơn quy chuẩn cho phép từ 14-16 lần; Hàm lượng Amoni vượt quy chuẩn cho phép từ 35-37 lần; Hàm lượng Nitrit vượt quá 2 lần so với quy chuẩn, hàm lượng chất hoạt động bề mặt vượt 2,8 lần so với quy chuẩn. Từ đó có thể kết luận, cá chết hàng loạt là do môi trường nước ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, và do một loại hoá chất được đổ đột ngột ra môi trường.
Tuy nhiên, việc xác định hoá chất này xuất phát từ đâu là một việc không đơn giản bởi hiện có tới vài chục cơ sở có đường xả thải ra sông Nhuệ, trong đó đặc biệt là cụm công nghiệp Từ Liêm.
Theo ông Nguyễn Văn Lưỡng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, kết quả đợt kiểm tra lần này sẽ là cơ sở để xác định nguồn xả thải gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng cho sông Nhuệ. Chính vì vậy, đoàn sẽ kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về Bảo vệ môi trường; kiểm tra việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải của cơ sở; Các cam kết và yêu cầu kèm theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường; bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; đăng ký cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận.
Đoàn cũng kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu kết luận của cơ quan quản lý Nhà nước hoặc đoàn kiểm tra, thanh tra về Bảo vệ môi trường gần nhất; lấy mẫu giám định các chất thải của cơ sở được kiểm tra (nếu có).
Tiền phạt không đủ… tổ chức đoàn kiểm tra
Năm 2008, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, thanh tra 112 cơ sở sản xuất trên toàn thành phố, phát hiện 87 cơ sở có vi phạm Luật Môi trường và đã xử phạt 18 cơ sở với số tiền thu được là 307 triệu đồng. 69 cơ sở còn lại, Sở đang làm các thủ tục để tiến hành xử phạt.
Mức phạt hành chính thấp hiện đang được cho là một trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện các quy định của Luật Môi trường không nghiêm. Để đầu tư một công nghệ xử lý nước thải công nghiệp có thể lên tới hàng tỷ đồng, trong khi đó mức phạt cho từng hành vi vi phạm là rất nhỏ. Vụ “Vedan giết sông Thị Vải” là một ví dụ rất rõ về bất cập này. Ngoài ra, kinh phí để tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra cũng là một vấn đề bất cập. Với việc tổ chức những đoàn kiểm tra, về nhân sự, phương tiện, thời gian… như hiện nay thì có thể thấy, số tiền xửphạt đôi khi còn ít hơn số tiền phạt thu được.
Một trong những khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm Luật Môi trường chính là một điều khoản quy định trong Luật Thanh tra. Đó là điều 37, thuộc Mục 1, Chương 3 quy định: Chậm nhất là ba ngày kể từ ngày ký, quyết định thanh tra phải được gửi cho đối tượng thanh tra, trừ trường hợp thanh tra đột xuất. Như vậy, với những cơ sở có hệ thống xử thải nhưng không vận hành, đoàn kiểm tra rất khó phát hiện và “bắt quả tang” hành vi xả thải không qua xử lý ra môi trường.
Thực tế kiểm tra đã cho thấy, nhiều cơ sở chỉ vận hành một phần rất nhỏ so với công suất thiết kế và việc vận hành này chỉ mang tính chất đối phó. Hy vọng khi Luật Môi trường sửa đổi với những điều khoản mới về mức xử phạt hành chính, việc chấp hành Luật Môi trường sẽ được các cơ sở thực hiện nghiêm túc hơn.
Theo VnMedia