|
Tôi nâng một miếng gỗ ghép ở mặt nền để đoán xem cầu được bao nhiêu năm tuổi thì mấy anh chạy xe ôm đứng gần đó bảo: “Bữa trước đã có mấy đứa trẻ ngã xuống mương rồi đó”.
Thật khó tin là ở giữa trung tâm Thủ đô văn minh hiện đại mà nhiều năm nay vẫn tồn tại những cây cầu kiểu này. Chưa tìm ra được phương án khắc phục, nhân dân đã phải chịu bao hệ lụy vì nó.
Nhiều năm qua, giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội vẫn tồn tại nhiều cây cầu tạm ở dọc bờ mương Thái Hà, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và nhiều kênh mương khác. Những cây cầu bất đắc dĩ được làm bằng đủ mọi chất liệu, kích thước, hình dáng nối từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia chỉ để giải quyết nhu cầu của một bộ phận nhân dân là, làm cho đoạn đường từ nhà ra phố được gần hơn. Những cây cầu tạm tự phát mọc lên và sử dụng từ nhiều năm qua, nhưng có lẽ, chưa một cơ quan chức năng nào kiểm định sự an toàn của cầu (?!).
Cầu tạm dựng tràn lan ở trên các sông, mương ngoài mặt phố, trong ngõ nhỏ. Những gia đình còn hạn hẹp về kinh tế thì dựng cầu với chất liệu và hình dáng vừa phải, đủ để đi lại. Còn những gia đình có điều kiện thì góp nhiều tiền để làm cầu to và chắc chắn hơn. Nhà này dựng cầu được cầu tạm thì nhà kia cũng dựng được. Dường như họ chẳng tuân theo một nguyên tắc nào. Vô hình trung, người ta mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của những cây cầu kiểu này như thứ không thể thiếu trong cuộc sống của một số gia đình ở khu vực giáp ranh với bờ sông và bờ mương.
Chỉ đi một đoạn đường ngắn trên phố Thái Hà (đoạn gần Trung tâm Chiếu phim Quốc gia), chúng tôi đã thấy gần 10 cây cầu tạm với đủ các loại kích cỡ to, nhỏ và được dựng lên bằng nhiều chất liệu khác nhau. Điểm chung của những cây cầu tạm này là không an toàn, khiến người qua cầu lúc nào cũng bị đặt trong nguy cơ rơi xuống dòng nước bẩn.
Tiếp xúc với những người dân sống ở khu vực này, chúng tôi được biết, điều đặc biệt nguy hiểm là mỗi khi trời mưa, những câu cầu tạm luôn trong tình trạng trơn trượt và là ẩn họa khôn lường đối với người qua lại, nhất là người già và trẻ em. Nhiều cây cầu tạm không có lan can, do sử dụng lâu ngày đã xuống cấp nên mỗi khi người dân đi qua là cầu rung lên, gây cảm giác như sắp sập. Không ai biết, những chiếc cầu tạm có thể chịu được tải trọng bao nhiêu?
Cũng chính vì thế mà trong những năm qua, trên những cây cầu tạm này đã xảy ra nhiều hệ lụy đáng buồn. Đó là việc người dân đi xe cộ qua cầu do bất cẩn nên bị rơi xuống mương. Đó là việc các cháu học sinh khi đi học thiếu sự hỗ trợ của người thân đã trượt chân té xuống sông. Nhiều người biết sự nguy hiểm của những cây cầu tạm này nên không dám phóng xe qua mà phải xuống dắt, thậm chí phải gửi xe bên đường để đi bộ sang thăm người thân.
Đượt biết, chỉ riêng trên địa bàn phường Trung Liệt, quận Đống Đa đã có gần 30 cây cầu tạm tồn tại trước năm 2000. Nhiều cây cầu trong số đó được dựng lên chỉ bằng bộ khung sắt sơ sài phía dưới và vài tấm ván ghép làm mặt cầu bắc từ bờ nọ sang bờ kia. Một trong những tiêu chí an toàn của cầu là lan can thì hầu hết lại không hề có.
Phố Thái Hà và một số con ngõ trong phố Thái Hà chỉ là một trong những điểm có nhiều cây cầu tạm đang được sử dụng. Ngoài ra, hiện nay ở nhiều con mương đổ ra sông Kim Ngưu ở quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai, người dân cũng dựng lên rất nhiều cây cầu tạm như trên.
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều cầu tạm có kết cấu chịu lực chỉ là tre, gỗ không đảm bảo chất lượng. Cũng có những cầu được làm bằng sắt và bê tông nhưng do lâu ngày nên sắt đã han gỉ. Đã có nhiều cháu học sinh trong lúc đi học qua cầu tạm do bất cẩn nên đã ngã xuống dòng nước đen ngòm, ô nhiễm phía dưới khi qua cầu. Những gia đình có trẻ em hoặc các cháu đang tuổi đến trường thường xuyên phải đối diện với nguy hiểm mỗi khi qua cầu. Mỗi khi trời mưa, nếu không có người lớn đưa qua cầu thì các cháu học sinh nhỏ không dám đi một mình vì sợ ngã xuống nước.
Ngoài sự thuận tiện của những cây cầu tạm, hình như người dân không mấy quan tâm đến sự nguy hiểm của những cây cầu này. Thực tế đó đã cho thấy, những cây cầu tạm đang tồn tại ở giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội như cái bẫy rình rập chính những chủ nhân của nó và người qua lại
Theo CAND