Băn khoăn tiến độ giải phóng mặt bằng


KTĐT – Cùng với đô thị hoá, nhiều làng hoa nổi tiếng của Hà Nội như Ngọc Hà, Nhật Tân… đều không còn. Như để bù lại sắc màu cho Thủ đô, người dân Tây Tựu đã thay cây rau bằng cây hoa trên cánh đồng và hình thành lên một làng hoa mới.


 


Với ý tưởng xây dựng vùng trồng hoa mang dáng dấp của một “công viên hoa” giữa lòng thành phố, năm 2007, dự án tổng thể phát triển vùng hoa Tây Tựu đã được đầu tư và triển khai. Dự án này cũng đã được thành phố chọn là công trình trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.


 


Với tổng diện tích 526 ha, dự án bao gồm nhiều tiểu dự án như: Quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống điện, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi cho làng hoa, các dự án về khuyến nông như tổ chức tập huấn, hỗ trợ triển khai các giống mới cho nông dân vùng hoa. Đặc biệt, trong đó có dành gần 10 ha để thực hiện tiểu dự án Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và bảo quản hoa. Đây được coi là điểm nhấn của toàn bộ dự án, tạo cơ sở xây dựng làng hoa Tây Tựu trở thành “công viên hoa” của Thủ đô và được giao cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội( HADICO) làm chủ đầu tư.


 


Tổng Giám đốc HADICO, ông Phan Minh Nguyệt cho biết: Tiểu dự án này có tổng mức đầu tư là 102,6 tỷ đồng với mục tiêu là hình thành khu công nghệ cao để sản xuất hơn 50 triệu cây hoa giống; đồng thời đưa công nghệ tiên tiến vào quy trình trồng, thu hoạch và bảo quản hoa và thực hiện chức năng dịch vụ hậu cần cho cả vùng hoa về cây giống, kỹ thuật và xúc tiến thịtrường đầu ra cho hoa. Vì vậy, tiểu dự án khu công nghệ cao khi hoàn thành sẽ mang lại sắc thái mới cho cả vùng hoa và cải thiện, nâng cao đời sống của người dân trong vùng. Cũng theo ông Nguyệt, công ty sẽ khảo nghiệm các giống hoa cao cấp của nước ngoài và tuyển chọn ra bộ giống hoa thích hợp ở Việt Nam để nhập khẩu về và ứng dựng công nghệ cao vào sản xuất, cung ứng cây giống cho toàn bộ hơn 500 ha hoa của Tây Tựu. Ngoài ra, ngay tại Tây Tựu còn có phân xưởng bảo quản và đóng gói hoa với công suất 30 triệu bông/năm. Dự án cũng dành 3,5 ha trồng hoa thương phẩm ngoài đồng ruộng nhằm chuyển giao công nghệ và tập huấn kỹ thuật cho nông dân.


 


Đến thời điểm này, khi chỉ còn hơn 500 ngày nữa là đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, các hạng mục của dự án tổng thể vùng hoa của thành phố như nâng cấp đường điện, lắp đặt các trạm biến áp, cải tạo hệ thống thuỷ lợi đã xong, phần nâng cấp hệ thống giao thông vùng hoa cũng đang được khẩn trương hoàn thành. Tuy nhiên, tiểu dự án quan trọng nhất là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và bảo quản hoa do HADICO làm chủ đầu tư hiện đang bị chậm tiến độ do chưa giải phóng mặt bằng.


 


Theo kế hoạch ban đầu đặt ra là tháng 1/2009, chủ đầu tư khởi công công trình và hoàn thành vào ngày 30/6/2010 với điều kiện giải phóng mặt bằng xong trước 30/3/2009. Tuy nhiên, đến nay do các thành viên trong tổ công tác của xã Tây Tựu “bận” nhiều việc nên công tác kiểm đếm lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn. Ngoài ra, còn do việc quản lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây ở xã cũng có nhiều sai sót như diện tích trên sổ sách khác với diện tích thực tế…


 


Mặc dù thiết tha với dự án của làng hoa, nhưng ông Nguyệt cũng rất băn khoăn vì nếu tiến độ giải phóng mặt bằng cứ như hiện nay sẽ khó hoàn thành công trình đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Vì vậy, đơn vị đã đề nghị UBND huyện Từ Liêm chỉ đạo giải quyết các vướng mắc để sớm bàn giao cho đơn vị mặt bằng thi công. Đồng thời, UBND TP Hà Nội cũng cho phép chủ đầu tư áp dụng cơ chế đặc thù trong lựa chọn nhà thầu để khắc phục thời gian chậm giải phóng mặt bằng. Mong rằng, những kiến nghị của chủ đầu tư dự án làng hoa sớm được đáp ứng để Thủ đô có một “công viên hoa” chào mừng ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm tuổi.



Minh Hoàng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *