Người bị thu hồi đất phải được tham gia đầu tư hưởng phần lợi nhuận tương ứng












KTĐT – Tại hội thảo “Chính sách pháp luật đất đai liên quan đến vấn đề nông nghiệp và nông thôn” do Hội Khoa học Đất Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đặt vấn đề trước những lo ngại về diện tích trồng lúa bị thu hẹp dần: “Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp phải trên cơ sở gìn giữ đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa. Trong tương lai, khi dân số Việt Nam tăng lên 100 – 120 triệu người với điều kiện phát triển công nghiệp đô thị ồ ạt như hiện nay, thế giới đang cảnh báo nguy cơ nhiệt độ trái đất ấm lên làm cho nước biển dâng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nước, nhất là Việt Nam (hàng triệu ha đất nông nghiệp ở đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị chìm trong nước). An ninh lương thực bị đe dọa dẫn đến những thiệt hại về kinh tế, môi trường và an ninh xã hội”.

Theo số liệu thống kê không đầy đủ của 49 tỉnh, thành phố, từ 7/2004 đến nay, các địa phương này đã thu hồi gần 750.000 ha đất để thực hiện hơn 29.000 dự án đầu tư; trong đó có hơn 80% là đất nông nghiệp. Đáng chú ý, khoảng 50% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm. Đây là những khu vực đất đai thuộc loại màu mỡ, cho 2 vụ lúa/năm.



Theo ông Trần Ngọc Hùng, mục đích thu hồi đất tại một số văn bản pháp quy chưa thống nhất. Trong Hiến pháp chỉ thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, còn Luật Đất đai thì mở rộng thêm vì “lợi ích công cộng và phát triển kinh tế”. “Khi thu hồi đất để làm đường, hệ thống thủy lợi, đê điều, công viên, trường học, bệnh viện với mục đích cộng đồng thì việc đền bù khá thuận lợi, nhiều người còn tự nguyện hiến đất. Nhưng khi thu hồi đất để phát triển kinh tế như xây dựng các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp thì còn nhiều vấn đề gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài làm chậm tiến độ triển khai dự án và gây lãng phí, thất thoát lớn” – ông Hùng nói.



Bà Hoàng Thị Vân Anh, Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng, để làm tốt công tác thu hồi đất nông nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần sửa đổi, bổ sung làm rõ nội dung quy hoạch sử dụng đất phù hợp với yêu cầu quản lý và năng lực tổ chức thực hiện của từng cấp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung biện pháp kinh tế đối với trường hợp sử dụng đất nông nghiệp có chất lượng tốt vào mục đích đất phi nông nghiệp để hạn chế tình trạng này.



Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, nếu mục đích thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế xã hội thì nghĩa là dân có đất bị thu hồi cũng tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, phát triển đất nước. Do đó, ngoài phần bồi thường với giá đất theo mục đích sử dụng khi thu hồi, người bị thu hồi đất phải được tham gia đầu tư hưởng phần lợi nhuận tương ứng phần lợi nhuận mà đất đem lại sau khi đầu tư.



Thạc sĩ Đào Trung Chính, Tổng cục Quản lý đất đai thông tin thêm, hiện Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2003. Đáng chú ý, trong dự thảo có đề cập đến vấn đề sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao, thời hạn sử dụng đất được ổn định lâu dài (như đối với đất ở hiện nay). “Với xu thế đó, sự “tích tụ ruộng đất” sẽ được quy định một cách “mở” và hoàn thiện hơn, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” – TS Chính nói.


 



Nguyễn Cao

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *