KTĐT – Ngày 1/7 tới, Luật Giao thông Đường bộ (GTĐB) mới chính thức có hiệu lực với nhiều điều khoản mới: “Phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe”. Thời gian áp dụng luật mới đã cận kề, nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải đang rất lúng túng trước quy định này.
Để tạo điều kiện cho các đơn vị tiếp cận với loại công nghệ mới này, vừa qua tại Vụ ATGT (Bộ GTVT) và Công ty CP Đầu tư định vị VinaTrack đã tổ chức giới thiệu hệ thống định vị “Thiết bị giám sát hành trình – hộp đen thông minh”. Tuy nhiên, tại đây, đã có nhiều doanh nghiệp vận tải đưa ra những ý kiến rất cụ thể về việc áp dụng công nghệ mới nhưng thiếu tiêu chí kiểm tra, xử lý, cũng như chế tài khi áp dụng.
Thiếu hướng dẫn cụ thể gây khó cho doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, quyền Vụ trưởng Vụ ATGT cho biết, dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đã đưa ra các quy định bắt buộc đối với xe vận tải tuyến cố định, xe chạy hợp đồng, container phải gắn thiết bị giám sát hành trình, trong đó nhấn mạnh đến 4 yêu cầu: thiết bị đó phải đảm bảo lưu giữ được các thông tin về hành trình, tốc độ vận hành, thời gian dừng đỗ, đóng mở cửa xe trong suốt quá trình hoạt động. Ngoài ra, dự thảo còn đưa ra 2 lộ trình: Xe khách hoạt động trên tuyến cố định liên tỉnh có cự ly từ 1.000 km trở lên, xe vận tải hàng hoá bằng container, rơmoóc, sơmi rơmoóc phải gắn thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/7/2010; xe khách hoạt động trên tuyến cố định liên tỉnh có cự ly dưới 1.000 km, xe buýt phải gắn thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/1/2011. Tuy nhiên, quy định là vậy, nhưng vấn đề khiến cả cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp vận tải và nhà cung cấp thiết bị đều còn lúng túng, là vẫn chưa có văn bản nào yêu cầu những tính năng tối thiểu phải có của thiết bị giám sát hành trình, ai chịu trách nhiệm kiểm định (ngành Đăng kiểm hay Bộ Khoa học công nghệ).
Thêm vào đó là tính pháp lý của những thông tin thu được từ thiết bị giám sát hành trình có được coi như là cơ sở, bằng chứng trong việc kiểm tra, xử lý, quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng. Chẳng hạn, máy đo tốc độ của CSGT báo kết quả chiếc xe chạy tốc độ 80km/h, trong khi thiết bị giám sát của xe lại báo thông số 70km/h thì xử lý như thế nào? Hoặc khi có tai nạn xảy ra, quá trình điều tra sẽ căn cứ vào dấu vết hiện trường hay thông tin từ thiết bị giám sát hành trình – “hộp đen”? Có thể nói, việc lắp đặt các hộp đen trên xe là việc làm rất thiết thực và cần thiết, nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã triển khai thành công việc lắp đặt thiết bị giám sát góp phần làm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc lắp đặt hộp đen vẫn là điều mới mẻ, nên rất cần những hướng dẫn cụ thể để chủ trương đúng của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao ATGT trên các cung đường.
Hộp đen chưa giúp ích nhiều cho hoạt động quản lý, điều hành
Thực tế, trước việc xe buýt, xe taxi chạy bừa, chạy ẩu gây mất ATGT, một số doanh nghiệp vận tải đã tìm cách khắc chế tình trạng trên bằng việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe như taxi Mai Linh, Tổng công ty Vận tải Hà Nội. Tuy nhiên, khi trao đổi với lãnh đạo các đơn vị này thì được biết việc lắp đặt hộp đen trên xe cũng mới chỉ giới hạn trên góc độ cảnh báo và ngầm nhắc nhở lái xe về những hành vi sai phạm trên đường chứ chưa giúp ích nhiều cho hoạt động quản lý, điều hành.
Ông Bùi Danh Liên, chủ nhiệm HTX Vận tải Thăng Long cho biết, thực ra doanh nghiệp cũng chỉ cần quan tâm đến các yếu tố kiểm soát về hành trình, tốc độ, dừng đỗ, mở cửa xe. Tuy nhiên, ông Liên cũng nêu vấn đề, thời điểm Luật GTĐB có hiệu lực đang cận kề nên vấn đề an toàn, kỹ thuật của “hộp đen” phải chặt chẽ, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” như câu chuyện chiếc mũ bảo hiểm, gây khó cho doanh nghiệp.
Ông Mai Xuân Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) thì nêu vấn đề bản đồ số chỉ xác định được toạ độ chứ chưa cung cấp thông tin về cao độ, địa hình tuyến đường nên sẽ gặp khó khăn cho nhà điều hành có thể giám sát chuyển động của xe. Còn đại diện Trung tâm đo lường thuộc Vụ Khoa học công nghệ lo ngại và cho rằng, chu trình xử lý thông tin của thiết bị giám sát chưa khép kín mà vẫn mang tính thụ động, tức là doanh nghiệp, nhà điều hành chỉ nhận được thông tin về tình trạng phương tiện khi lái xe gửi thông tin về và như vậy có những vi phạm không được ngăn chặn kịp thời nếu như lái xe cố tình chậm hoặc không gửi thông tin về trung tâm.
Trần Quý