– Hàng loạt đường dây thu gom rác dân lập đình công vì phải trích lại mức phí quá cao, người dân bức xúc vì mỗi nơi thu phí 1 kiểu không thống nhất… Trong lúc đó, Sở Tài nguyên Môi trường mới ra Dự thảo hướng dẫn thực hiện quyết định thu phí rác để trình lên UBND thành phố. Hơn 6 tháng sau khi Quyết định 88 ban hành ngày 22/12/08 của UBND TP.HCM (hiệu lực từ ngày 1/1/09) về thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn (rác), Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố mới công bố Dự thảo hướng dẫn thực hiện quyết định này vào hôm nay (17/6). Đại diện 24 quận huyện tham dự buổi họp đều cho rằng quyết định này có nhiều điểm chưa hợp lý khiến người thu gom rác dân lập bức xúc. Cụ thể, quyết định nêu rõ cán bộ phường xã sẽ đi thu tiền còn người gom rác dân lập chỉ làm nhiệm vụ tổ chức và thu gom rác. Số tiền thu được sau khi trích 20% phí bảo vệ môi trường, phường sẽ thanh toán lại cho các đường dây gom rác này. Ngược lại, trước khi ban hành quyết định này thì người gom rác dân lập tự ấn định mức phí rác. Tuy nhiên, ngay khi quyết định có hiệu lực vào đầu tháng 5/09 (do có nhiều bất cập nên không áp dụng từ tháng 1/09), hàng loạt đường dây thu gom rác dân lập ở các phường, xã thuộc quận Thủ Đức, 12, Bình Thạnh… đình công khiến lượng rác sinh hoạt ùn ứ nghiêm trọng.
Thậm chí, hàng trăm người gom rác vì quá bức xúc đã kéo tới trước cổng Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM phản đối quyết định này. Trước tình hình này, Sở Tài nguyên Môi trường buộc phải tổ chức 1 buổi giải đáp thắc mắc của người dân và đưa ra dự thảo hướng dẫn thực hiện quyết định trên. Theo dự thảo mới, các phường xã vẫn là đơn vị thu phí rác thay vì người gom rác dân lập. Không bằng lòng với quy định này, ông Trần Hữu Trí, Phó Chủ tịch UBND Q.6 cho rằng để phường thu tiền rác thu nhập của người gom rác dân lập sẽ giảm. Hơn nữa nếu phường quản lý tiền rác, các đường dây thu gom rác dân lập không có tư cách pháp nhân có được thanh toán lại tiền? Giải thích vấn đề này, ông Trần Bá Khanh, Phó phòng ngân sách Sở Tài chính cho biết, theo quy định của thành phố từ 1998, người gom rác dân lập được thu tối đa 15.000 đồng/hộ/tháng và phải nộp về cho phường 10%, tính ra họ còn 13.500 đồng.
Ngược lại, lực lượng thu gom rác dân lập không đồng ý vào công ty dịch vụ công ích hay hợp tác xã mà chỉ muốn hoạt động tự do, theo ý thích nên rất khó quản lý…, một cán bộ công ty dịch vụ công ích quận Gò Vấp nhận xét. Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường, mỗi năm thành phố tốn khoảng 1.000 tỷ đồng cho chi phí thu gom, xử lý rác. Do đó, quyết định 88 được ban hành tăng mức phí thu gom rác nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách. “Tuy nhiên, khi người dân phản ánh, bức xúc vì quyền lợi bị ảnh hưởng thì cơ quan chức năng phải có nhiệm vụ xem xét giải quyết. Do đó, quy định nào chưa phù hợp chúng tôi sẽ thay đổi, chỉnh sửa. Trong dự thảo mới đưa ra quy định mức trích lại cho phường để thực hiện công tác thu phí là 10% thay vì 20% như trước” – ông Kiệt nói.
|