|
KTĐT – Giá đất nền tại một số khu vực ở Hà Nội, TP.HCM đang tăng chóng mặt. Thông tin này khiến không ít người, nhất là những người đang có nhu cầu mua nhà để ở lo lắng. Nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, “cơn sốt” đất này phần lớn do giới “cò” bất động sản (BĐS) “thổi” lên.
Trong vai “thợ săn” đất, sáng 18/6 chúng tôi đã tìm đến Vân Canh, Hoài Đức (Hà Tây cũ), một trong những khu vực được cho là có giá đất tăng đến 60% thời gian qua. Trên gần 2km trục đường chính qua xã, chúng tôi đếm được không dưới 20 văn phòng treo biển môi giới nhà đất.
“Cò” khuynh đảo thị trường
Theo giới thiệu của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến ông H, một người được cho là “ông trùm” gom đất tại đây. Không đi ngay vào vấn đề giá cả, ông H cho chúng tôi xem bản đồ các khu đô thị, các khu vực đất dịch vụ theo quy hoạch.
Ông cũng đưa ra đủ loại giấy tờ để chúng tôi yên tâm về mặt pháp lý của các suất mua này. “Yên tâm, tôi sẽ lo hết về mặt thủ tục giấy tờ, anh chỉ việc chồng tiền và nhận đất. Còn về giá cả thì tuỳ từng suất đất, vị trí, anh ưng mảnh nào tôi sẽ cho giá mảnh đó. Khoảng 8 – 10 triệu đồng/m²”, ông H nói.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ cuối năm 2007 khi người dân được cấp đất dịch vụ, giới đầu cơ đất địa phương và Hà Nội đã thu gom đa phần số đất này. Khi đó, suất đền bù một sào đất bị thu hồi đã được bán lại với giá 80 – 100 triệu đồng.
Thời kỳ đỉnh điểm của “sốt” đất ở Hà Nội, cũng suất đó, nhiều người đã bán được đến 250 triệu đồng. Nhưng kể từ cuối năm 2008 đến nay, thị trường đất ở đây đã èo uột. Nhiều “cò” ôm đất đã phải khóc dở mếu dở vì không bán được, trong khi nợ lãi hàng tháng vẫn phải trả.
“Khoảng hơn một tháng nay cũng thấy có nhiều người vào tìm mua. Họ nói giá tăng cao nhưng kỳ thực cao như thế nào thì chẳng ai biết”, ông Liêm, 54 tuổi một người dân địa phương cho biết. Tiếp cận với một số “cò” đất, chúng tôi mới biết giá cả ở đây không có khung nào cả. Họ sẵn sàng bán “phá giá” nếu gặp khách hời.
Chủ yếu thăm dò
Nằm cách cầu Diễn khoảng 2km, giá đất ở Vân Canh còn khá thấp so với các khu vực lân cận ở Từ Liêm. Nhưng những người mua để ở ổn định có lý do để e ngại về tính pháp lý của các loại đất dịch vụ này. Nhiều “cò” đất địa phương thừa nhận: “Người mua đến thăm dò là chính”.
Tiếp cận một số văn phòng địa ốc tại địa bàn Hà Đông và một số vùng lân cận, nơi đang được cho là có nhiều người tìm mua nhất như: Xa La, Văn Khê, Văn Phú, Lê Văn Lương hay khu vực đường 32, Hoàng Quốc Việt kéo dài… chúng tôi cũng ghi nhận được tình trạng tương tự.
Giá cũng có tăng nhưng không cao như người ta đồn đoán. Chẳng hạn như ở Xa La, giá chung cư khoảng 12 – 13 triệu đồng/m². Ở mức giá này, thực ra chênh lệch so với giá gốc chỉ khoảng 50 triệu đồng/căn.
Anh Cầu, một môi giới nhà đất ở Xa La cho biết, khoảng hơn 1 tháng nay, có nhiều người đến trung tâm tìm mua với mức tiền 700 – 800 triệu đồng/căn. Giá đất nền ở các khu vực như: Văn Quán, Văn Khê, Lê Văn Lương kéo dài rất cao, khoảng 30 triệu đồng/m². Cũng có một số người tìm mua ở khu vực này nhưng chủ yếu là các “đại gia” gom đất kinh doanh. Xa hơn một chút, khu vực Ba La cũng đang được một số người tìm đến mua.
Với khoảng 700 – 800 triệu đồng, người ta vẫn có thể tìm được 1 mảnh đất ưng ý. Thời gian qua, có dư luận nhiều người “săn” đất nền và giá tăng cao ở một số khu vực, nhưng theo nhiều chuyên gia dù giải thích kiểu gì thì cũng chỉ có một lí do: Giá chung cư ở khu vực nội đô đã vượt quá cầu thực chung của đa số người dân.
Vì vậy họ tìm đến các khu vực xa hơn nhưng có hạ tầng hứa hẹn sẽ tốt trong tương lai như: Vân Canh hay Ba La, Văn Phú…
Căn hộ giá bình dân sẽ hút khách
“Với những tín hiệu tốt từ kinh tế thế giới và trong nước, thị trường bất động sản Việt Nam có xu hướng hồi phục là dễ hiểu.
Giá đất sẽ tăng chậm “Tôi không có thông tin nào để xác nhận chuyện “sốt” đất trong thời điểm này. Nhưng cách đây 5-6 tháng, trong những phát biểu của mình tôi đã khẳng định, đây là thời điểm đáy của thị trường. Những người có nhu cầu để ở nên mua nhà lúc này. Đến khoảng tháng 6/2009, giá nhà đất sẽ có xu hướng tăng. Tôi cho rằng từ nay đến cuối năm, giá nhà đất sẽ tăng nhưng chậm và khó có đột biến”. |
Theo Gia đình & Xã hội