Ảnh hưởng của bão số 4: Nhiều tuyến phố bị ngập, 13 cây xanh bị đổ












KTĐT – Bắt đầu từ ngày 12/7, do ảnh hưởng của bão số 4, trời Hà Nội bắt đầu có mưa. Tuy nhiên, chỉ từ từ 10h30 đến 14h00 ngày 13/7, trên địa bàn Hà Nội bắt đầu có mưa to. Lượng mưa đo được tại các điểm đo của Công ty Thoát nước như Vân Hồ là 70 mm, Long Biên 131 mm, Đồng Bông 78 mm, Thanh Liệt 108 mm. Theo thông báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, trên địa bàn thành phố trong ngày tiếp theo vẫn có mưa bổ sung và khả năng diễn biến của trận mưa còn phức tạp (dự báo tổng lượng mưa trong ngày là từ 100 đến 150mm). Ngoài ra, do mưa to, gió lớn nên đã xuất hiện tình trạng cây đổ trên các tuyến đường gây ùn tắc giao thông cục bộ.


Hơn 1.000 công nhân thoát nước trực trên đường



Do cường độ mưa tập trung trong thời gian ngắn (từ 11h đến 11h45 và 12h15 đến 13h00) cùng với ảnh hưởng của trận mưa bão từ đêm trước nên trên địa bàn đã xuất hiện các điểm úng ngập cục bộ tại nhiều tuyến phố như: Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Khuyến, Phùng Hưng, Quan Thánh, Cao Bá Quát, Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương, Phan Bội Châu- Lý Thường Kiệt, Đinh Liệt, Tông Đản, Phan Chu Trinh,Thuỵ Khuê, Trường Chinh, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Huy Tưởng, Quan Nhân, Ngọc Lâm (Long biên), Nguyễn Công Trứ, Hàng Chuối – Phạm Đình Hồ, Lĩnh Nam với mức độ úng ngập từ 0,25 đến 0,35 m.



Ông Nguyễn Lê, Tổng giám đốc Công Ty TNHH Nhà nước 1 thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, do đã được dự báo các điểm có nguy cơ ngập trong kế hoạch thoát nước mùa mưa do đó, tại các điểm úng ngập đều có lực lượng trực. Cũng theo ông Lê thì công nhân thoát nước đã có mặt tại các điểm được phân công từ chiều ngày 12/7 cho đến nay. Các vị trí lực lượng ứng trực (trên 1000 công nhân) của Công ty đã có mặt để khơi thông dòng chảy, vớt bèo, rác các cửa cống, ga thu đồng thời phối hợp với lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT trong việc cảnh giới và hướng dẫn giao thông. Ngoài ra, toàn bộ dàn thiết bị cơ giới được huy động trên toàn địa bàn để thông tắc, giải quyết úng ngập tại các điểm trũng, khả năng thoát nước kém. Trạm bơm Yên sở vận hành hết công suất (11/11 tổ máy) để đưa nước ra sông Hồng. Dự kiến nếu trời không mưa bổ sung, các điểm úng ngập nước sẽ rút trong vòng từ 1 đến 1,5 giờ.



Công ty Thoát nước Hà Nội vẫn tiếp tục triển khai công tác ứng trực, vận hành trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm cục bộ khác hạ mực nước trên hệ thống để đối phó với các đợt mưa tiếp theo. Dàn xe thiết bị cơ giới hỗ trợ thông tắc tại các điểm trũng cục bộ để tăng cường khả năng tiêu thoát nước, xe bơm nước di động được vận hành để bơm cưỡng bức nước từ khu vực trũng về hạ lưu (địa điểm phố Huỳnh Thúc Khánh – Láng hạ), vận hành Trạm bơm Yên Sở để hạ mực nước trên hệ thống, đập Thanh liệt mở để đưa nước ra sông Nhuệ.



13 cây đổ vì mưa bão



Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên Công viên cây xanh cho biết, theo thống kê sơ bộ về tình hình cây đổ, gẫy cành trên địa bàn thành phố thì tính từ ngày 12/7 đến trưa ngày 13/7, trên địa bàn toàn thành phố đã có 13 cây đổ và 14 cành lớn gẫy do mưa bão. Các tuyến phố, khu dân cư xảy ra đổ cây, gẫy cành gồm trước cửa tập thể C4 Giảng Võ, số 2 Đường Thành, 179 Lý Thường Kiệt, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, ngã tư Tràng Thi – Quang Trung, Thụy Khuê, Hoàng Quốc Việt, Trần Khát Trân, dốc Ngọc Hà… Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hưng, tại Công viên Bách Thảo và khu vực vườn hoa Lênin cũng có cây bị gẫy, đổ do mưa bão. Ngoài ra, xung quanh khu vực hồ Tây cũng có khá nhiều cây liễu loại nhỏ bị quật gẫy ngang thân.



Để chủ động đối phó với mưa bão, trong 2 ngày qua, Công ty Công viên cây xanh đã huy động 100% quân số ra ứng trực. Khi nhận được thông tin có cây gẫy, đổ công ty đều cử ngay lực lượng, phương tiện đến giải tỏa ngay. Đối với các cây lớn thì cắt bỏ, vận chuyển để đảm bảo an toàn, thông đường. Đối với các cành cây có đường kính dưới 20 cm thì được giao lại cho đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn tự xử lý tại chỗ.


 



Trần Quý

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *