Kỳ 3: Mánh lới và tiểu xảo Chứng kiến cuộc đàm phán hành lang đầy kịch tính lô đất X, chúng tôi thẽ thọt hỏi bạn: Sao nhóm lại không nắm được chính xác số người cùng đăng ký mua chung lô đất?
Bạn tôi thở dài ngao ngán: Dài dòng lắm. Về lý thuyết, Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất TP Bắc Ninh sẽ công bố công khai tên, địa chỉ các NĐT đăng ký của từng lô đất. Nhưng cũng có không ít trường hợp, do vô tình hoặc cố ý, danh sách ấy không được công bố hoặc công bố không đầy đủ. Hôm trước có một lô đất biệt thự cực đẹp nhưng chỉ duy nhất có giám đốc một đơn vị lớn trong tỉnh đăng ký đấu. Nghiễm nhiên người này thắng với giá đấu tối thiểu mà chẳng cần đàm phán, thương lượng gì hết. Trước đấy, bằng cách thông tin nào đó mà các NĐT khác cứ tưởng lô đất ấy không được đem ra đấu giá nên chẳng ai đăng ký. “Có thể nói đấy là lượt đấu ấn tượng nhất trong cuộc đấu giá lần này” – bạn tôi tấm tắc, rồi nói tiếp: Bởi cùng lượt đấu giá, lô đất biệt thự liền sát bên lô nói trên thì lại quá nhiều người đăng ký mua. Do đấu giá sớm, thiếu kinh nghiệm thương lượng, các NĐT máu ăn thua nên đã lao vào đấu thật. Giá đấu lên cao ngất ngưởng, gấp đôi giá sàn”. Bạn tôi nhìn tay cắp nách mũ bảo hiểm một cách cay cú: Chắc chắn buổi trưa tay C và tay này đã bắt tay với nhau nhằm dìm giá chênh. Tay C có thể phải trả cho riêng tay này thêm 5 – 6 triệu nhưng bù lại cũng giảm được chục triệu tiền chênh so với giá 8 triệu cho mỗi NĐT ban đầu. “Kịch bản này cũ mèm” – bạn tôi kết luận rồi kể tiếp: “Chảo lửa” này là đất diễn của nhiều mánh lới. Có trường hợp, nhóm NĐT đã thương thảo xong xuôi hết rồi nhưng khi vào đấu chính thức, một người trong nhóm “phá đám” cố ý đấu giá bằng giá của người quyết mua. Theo quy định của Hội đồng đấu giá, hai NĐT tiếp tục vào vòng đấu thứ 2. Ở vòng này, NĐT phá đám cố tình trả giá thấp hơn. NĐT quyết mua vẫn thắng. Trong trường hợp ấy, NĐT quyết mua đã bắt tay với NĐT phá đám bằng cách chi cho người này một số tiền chênh thấp hơn nhiều so với tổng số tiền phải trả cho các NĐT trong nhóm. Nhưng đó cũng là số tiền lớn hơn nhiều so với số tiền NĐT phá đám được hưởng theo thương lượng ban đầu. Ví dụ, trong trường hợp của lô đất X vừa rồi, nếu “đi đêm” thành công, thay vì phải trả 60 triệu cho 10 người, NĐT quyết mua có thể chỉ phải trả 40 triệu cho 1 người. Cả hai cùng có lợi. Còn các NĐT còn lại trong nhóm, bị gạt ra ngoài, mất trắng hoàn toàn. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng này, ngoài giải pháp cắt cử người cầm gộp tất cả phiếu thu, cầm tiền “cốp”, các NĐT sẽ phải giám sát, kèm lẫn nhau trong phòng đấu giá, thậm chí chỉ cử một người duy nhất điền vào tất cả phiếu đấu giá để bảo đảm rằng, giá đấu được đưa ra đúng kịch bản, không ai có cơ hội lật kèo. Theo bạn tôi, đối với những lô đất có ít NĐT đăng ký và NĐT lại là những người tử tế, không bị “cò” làm nhũng nhiễu thì cuộc thương lượng diễn ra nhanh chóng trong không khí hoà bình, hiểu biết và nhường nhịn lẫn nhau. Nhưng đối với những lô đất ở vị trí đẹp thường có nhiều NĐT đăng ký, nhiều người thực sự muốn mua thì cuộc thương lượng diễn ra khó khăn gấp nhiều lần. Một vài trường hợp đàm phán hành lang không thành, NĐT hung hăng có thể xông vào cãi nhau, chửi nhau, buông lời thách thức quyết đấu. Để rồi sau đó đem vào phòng đấu chính thức bầu không khí căng thẳng. Các cuộc “quyết đấu” kiểu thường kéo dài bởi qua các vòng đấu chẳng ai chịu nhường nhịn ai, thậm chí vì máu ăn thua, nhiều NĐT tuyên bố chấp nhận mất tiền đặt cọc chỉ để “không thằng nào lấy được lô đất này với tao” và đẩy giá đấu thầu lên mức độ chóng mặt… Bị cuốn theo kịch tính của “chảo lửa”, chúng tôi bỏ mặc bạn tôi ở lại với những cuộc đàm phán để chạy theo một đám đông vừa đấu giá thành công, đang tập hợp để chia tiền chênh. Đó là một lô đất chia lô đẹp, có đến gần 30 NĐT đăng ký. Mặc dù giá chênh mà NĐT thắng đấu giá trả trọn gói là 80 triệu đồng nhưng mỗi NĐT còn lại cũng chỉ được chia một số tiền là 2,8 triệu đồng. Đám đông này vốn đã nhốn nháo (vì ai cũng tranh nhận phần tiền của mình trước bởi cùng một lý do chính đáng là nhanh nhanh để còn đàm phán hoặc vào đấu lô đất khác) thì càng trở lên lộn xộn bởi tiếng chửi rủa của 2 người phụ nữ trong nhóm. Hóa ra, trước và trong phòng đấu, hai người phụ nữ này không đồng ý với giá thỏa thuận mà NĐT quyết mua đưa ra, đã kỳ kèo riêng với NĐT quyết mua đòi thêm 3 triệu nữa. Để được việc của mình, NĐT quyết mua gật đầu đồng ý. Nhưng sau khi đấu giá thành công, thay vì trả thêm 3 triệu đồng như cam kết miệng, NĐT thắng đấu chỉ bảo người cầm tiền cốp trả cho nhà chị này tổng cộng có 3 triệu, tức là hơn các NĐT khác 200 nghìn đồng. Bực mình vì bị phỉnh lừa, 2 người phụ nữ này vừa đeo bám NĐT thắng đấu từng bước một vừa réo rắt chửi rủa những lời ngoa ngoắt, tục tĩu… Ai chửi cứ chửi. Ai chia tiền và nhận tiền cứ chia, cứ nhận. Ai đàm phán cứ đàm phán. Khuôn viên nhà văn hóa thiếu nhi TP Bắc Ninh khi đó thực sự giống như cái chợ trời, quy tụ tất cả các tầng lớp người trong xã hội, với đầy đủ những cung bậc cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố…
Kỳ sau: “Quyết không để tiền chảy vào túi Nhà nước” |
Chuyện đấu giá quyền sử dụng đất ở Bắc Ninh (kỳ 3)
10