Sáng 10/7, gần 500 người của hai xã Khánh Thành và Kim Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An kéo đến bao vây trụ sở UBND huyện phản đối quyết định giải thể trường THCS Kim Thành và THCS Khánh Thành. Nhiều bậc phụ huynh bức xúc: Nhà nghèo, lo ba bữa ăn đã khó, nay phá trường cũ các cháu phải đi học xa, tiền xây dựng, tiền học phí, các khoản chi tốn kém, chúng tôi lấy đâu ra tiền…
Học sinh giảm – trường xuống cấp Theo khảo sát của Phòng GD&ĐT huyện Yên Thành, do tỉ lệ sinh hàng năm trên địa bàn huyện thấp, số học sinh ngày càng giảm mạnh, một số trường ở vùng đồng bằng, thị trấn có dưới 16 lớp học, ở vùng núi dưới 12 lớp, không đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trên kết quả đó, Phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND huyện xây dựng đề án quy hoạch lại mạng lưới trường lớp trên địa bàn. Đề án được bà Nguyễn Thị Nhàn – Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành ký. Cụ thể, sẽ giảm tổng số trường tiểu học trong toàn huyện từ 47 xuống còn 41. Giải thể 10 trường THCS tại một số xã để sáp nhập vào trường ở xã khác, giảm tổng số trường THCS trong toàn huyện từ 36 xuống còn 26. Trong đề án, hai trường THCS Khánh Thành, THCS Kim Thành nằm trong diện bị giải thể đầu tiên. Việc huyện Yên Thành chọn phương án giải thể hai trường THCS Khánh Thành và Kim Thành là do các trường này đã xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, số lượng học sinh ít, không đảm bảo cho công tác dạy và học. Cụ thể trường THCS Khánh Thành xây dựng từ năm 1964, gồm 11 phòng, do xây dựng từ lâu nên hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Có mặt tại trường học này, chúng tôi thấy nhiều phòng học móng bị lún, tường nứt, các mái kèo bị mối ăn mục nát, mái ngói bị hỏng nặng có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Tổng số học sinh trong trường là 551 em, 14 lớp, trung bình trên 40 em/lớp. Còn trường THCS Kim Thành thì chỉ có khoảng 300 học sinh, không đủ số lượng học sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Phụ huynh phản đối, vì sao? Sáp nhập các trường THCS để tiện cho việc quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục là chiến lược lâu dài của Bộ GD&ĐT. Đây là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chính quyền các cấp cần phải lắng nghe nguyện vọng chính đáng của các em học sinh và phụ huynh. Việc hàng trăm người dân xã Khánh Thành, Kim Thành kéo đến trụ sở UBND huyện đề nghị bãi bỏ quyết định giải tán trường THCS trên địa bàn xã, họ cũng có những lý do riêng chính đáng của mình. Cụ thể, xã Khánh Thành là vùng chiêm trũng, giao thông đi lại khó khăn, nếu con em họ chuyển sang học ở các trường THCS ở các xã lân cận theo sắp xếp của Phòng GD&ĐT huyện như: Liên Thành, Bảo Thành, Nam Thành, Công Thành… thì đường đến trường xa, lại phải qua sông, qua đập tràn, nếu mùa mưa đến sẽ không an toàn cho việc đến trường của các em học sinh. Chị Lê Thị Hồng, xã Khánh Thành bức xúc: “Mùa nắng còn đỡ, lo nhất là mùa mưa lũ các cháu phải đi học xa 8 – 10km, lại phải qua sông, qua nhiều khu vực ngập nước sâu rất nguy hiểm”. Bên cạnh nỗi lo con cái gặp nguy hiểm khi phải đi học trong điều kiện đường sá đi lại khó khăn, thì vấn đề kinh phí phát sinh khi phải cho con đi học xa nhà cũng là nỗi trăn trở lớn của nhiều phụ huynh. Vì phần lớn người dân hai xã Khánh Thành và Kim Thành chủ yếu là nông dân nghèo, thu nhập quanh năm chỉ nhìn vào sản xuất nông nghiệp. Anh Lê Văn Dũng ở xóm Hồng Thành, xã Khánh Thành nói: “Nhà nghèo, lo ba bữa ăn đã khó, nay các cháu phải đi học xa, phải mua xe đạp, cộng với tiền sách vở, học phí, tiền xây dựng, mất chừng 3 – 4 triệu đồng mỗi cháu, lấy đâu tiền để lo”. Ông Phan Huy Hải – Chánh văn phòng UBND huyện Yên Thành cho biết: “Mặc dù nhân dân không đồng tình, nhưng đây là chủ trương của Sở GD&ĐT nên huyện phải tiến hành. Huyện sẽ về làm việc với nhân dân hai xã nhằm tìm ra phương án tối ưu đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người dân. Riêng việc có giải thể và sáp nhập các trường này hay không, huyện sẽ chờ ý kiến của Sở GD&ĐT”. |
Giải thể trường học: Sao không nghe nguyện vọng của dân?
3