|
KTĐT – Thời điểm Việt kiều được phép mua nhà tại Việt Nam (1/9) đang đến gần, theo Luật sửa đổi Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai vừa được Quốc hội khóa VII thông qua. Thế nhưng, trái với dự đoán thị trường nhà đất sẽ “nóng”, thực tế vẫn chưa có dấu hiệu “khan hàng”, “sốt giá”.
Khi được hỏi về nhu cầu mua nhà tại Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Tuấn, kiều bào Canada, bày tỏ: “Tôi đang thuê một căn hộ ở khu Tây Hồ, Hà Nội, thời hạn 7 năm. Dù có đủ tiền để sở hữu một căn hộ nhưng chỗ đang thuê khá tiện nghi nên tôi chưa vội đi mua nhà mới. Nếu muốn tôi cũng có thể mua lại ngay căn nhà đang ở vì người cho thuê cũng có thiện chí”.
Sẽ nhộn nhịp giao dịch sang tên
Ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc ACB (ACBR), nhận định những kiều bào thực sự có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam thực tế đã sở hữu nhà thông qua nhiều hình thức như: nhờ bạn bè, người thân đứng tên, uỷ quyền qua công ty trung gian hoặc thuê dài hạn với quyền ưu tiên mua… Vì vậy, vài thời điểm này, giao dịch sang tên chủ sở hữu từ người được uỷ quyền sẽ tăng lên, chứ không phải giao dịch mua bán mới. Vào thời điểm này, thị trường nhà đất khó có thể sôi động và giá cả cũng chưa thể tăng đột biến.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nathan Cumberlidge, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển thị trường, Tập đoàn Colliers International tại Việt Nam, cho rằng tư lâu nhiều Việt kiều đã sở hữu nhà, đất ở Việt Nam, thông qua con đường đầu tư FDI, kiều hối, nhờ người khác đứng tên. Khi Luật sửa đổi cho phép kiều bào đứng tên trên giấy tờ hợp pháp, họ sẽ tập trung chuyển đổi quyền sở hữu nhà, đất.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hải lưu ý: “Về dài hạn, nhu cầu mua nhà của kiều bào chắc chắn tăng lên, làm thị trường BĐS trở nên nhộn nhịp vì Luật mới tạo ra sự thông thoáng, giải toả những lo ngại về thủ tục”. Ông Nathan Cumberlidge cũng nhấn mạnh: “Có thể thấy trước rằng, dòng tiền của kiều bào đổ vào thị trường nhà, đất sẽ tăng đáng kể, khi các dự án mới đạt tiêu chuẩn quốc tế xuất hiện ngày càng nhiều. Đi kèm với chất lượng cao và số lượng mua bán lớn là tiềm năng tăng giá cao”.
Và thăm dò thị trường
Ông Nguyễn Lê Nam, Trưởng phòng Kinh doanh chi nhánh Tập đoàn Tài chính và Thương mại TSQ tại VN, cho biết chi nhánh của ông đã thực hiện nhiều khảo sát về nhu cầu mua nhà ở của kiều bào. Theo đó, các sản phẩm được kiều bào quan tâm nhất là biệt thự, nhà liền kề và chung cư cao cấp. Ông Nathan Cumberlidge cũng cho hay theo cơ cấu khách hàng của Colliers International, số người Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu thị trường nhà, đất tại Hà Nội chiếm 40% (tỷ lệ này cao hơn nhiều so với TP.HCM). Loại BĐS được chú trọng là căn hộ có 2 – 3 phòng, đáng chú ý là khá nhiều khách hàng tìm đến các TP ở miền Bắc để mua đất, tự thiết kế và xây dựng nhà theo ý mình.
Theo thống kê của ACBR, nhiều kiều bào rất quan tâm tới căn hộ cao cấp, biệt thự và nhà mặt phố có giá từ 2 – 10 tỷ đồng. Chị Đặng Trang, kiều bào Nhật Bản, băn khoăn: “Tôi đã đi xem một vài căn hộ nhưng vẫn chưa quyết định mua. Tôi chỉ mới nghe Luật cho phép mua nhà nhưng các điều khoản cụ thể thì chưa nắm rõ, nên có chút e ngại. Tôi cần thêm thời gian để tìm hiểu kỹ hơn, đề phòng sự cố phát sinh”.
Ông Phạm Văn Hải cho rằng về lâu dài, tiềm năng phát triển của thị trường BĐS khi kiều bào chính thức được đứng tên trong giấy tờ nhà, đất. Trong một vài năm gần đây, lượng kiều bào tìm đến ACBR nhờ tư vấn mua bán nhà, đất rất cao, nhưng tỷ lệ giao dịch thành công chỉ đạt 2% do vướng mắc về thủ tục. ACBR đang lên kế hoạch đặt văn phòng giao dịch tại một số nước đông người Việt sinh sống, có nhu cầu mua nhà ở quê hương.
Theo Đất Việt