Ai làm giảm hiệu lực của Luật giao thông?





Một trong những nguyên nhân của tai nạn và ùn tắc giao thông ở Hà Nội hiện nay là do ý thức của người tham gia giao thông không tuân thủ pháp luật. Nhưng nhiều khi thái độ “nhờn luật” của người tham gia giao thông lại do chính các… biển báo giao thông (?!).

Phân làn cho vui

Một điều dễ nhận thấy tại các nút giao thông là khi có đèn đỏ, xe ô tô thường cố tình chen lên, dàn thành hàng hai, hàng ba bịt kín lối của xe máy. Ngay trên các tuyến đường nội thành cũng dễ nhận thấy cảnh xe máy chạy tràn sang bên trái đường cản trở sự lưu thông của ô tô còn ô tô nhiều khi chen lấn sang bên phải cản hết phần đường của các phương tiện khác… Đó là một trong những nguyên nhân thường gây nên cảnh ùn tắc giao thông trong nội đô, nhất là ở các điểm nóng và trong các giờ cao điểm.


Đầu năm 2008, UBND thành phố Hà Nội và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp tổ chức thí điểm phân làn phương tiện giao thông trên tuyến đường Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt. Theo đó, tuyến đường “mẫu” này được kẻ, vẽ phân thành các làn đường riêng dành cho ô tô, xe máy, xe đạp và xe thô sơ. Cụ thể, tuyến đường được phân chia thành 5 làn dành cho các phương tiện gồm: 2 làn dành cho ô tô; 2 làn cho mô tô xe máy và 1 cho phương tiện thô sơ. Mục tiêu của việc phân làn này là nhằm làm giảm xung đột giữa các phương tiện giao thông để giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.

Không ai phủ nhận tính khoa học, sự cần thiết và ý định tốt đẹp của Dự án trên; tuy nhiên sau những ngày đầu ra quân rầm rộ, huy động lực lượng tổng hợp để duy trì trật tự thì những ngày sau đó, cứ vắng bóng cảnh sát giao thông là tình trạng giao thông trên tuyến đường điểm này lại rất lộn xộn, các phương tiện vẫn hồn nhiên lấn đường của nhau mà thường là xe máy đi lấn sang phần đường của xe ô tô.


Bẵng đi một thời gian dài, đầu năm nay, Dự án này lại được hâm nóng trở lại, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lại phối hợp cùng cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra Giao thông Hà Nội tái thực hiện phân làn trên tuyến đường Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt. Tuy nhiên kết quả lần này cũng không có gì khá hơn lần trước.

Sau một thời gian thực hiện, mặc dù tốn tiền tỷ nhưng tình trạng giao thông lộn xộn trên tuyến đường điểm này lại đâu vào đó. Trên mặt đường vẫn kẻ vạch phân làn, vẽ hình các phương tiện trên từng làn đường, ở mỗi nút giao thông vẫn có biển chỉ dẫn để hướng dẫn người tham gia giao thông điều khiển từng loại phương tiện đi đúng làn đường quy định nhưng người dân coi như không có. 

Nhờn biển cấm

Cuối đường Bà Triệu, tại ngã năm nơi siêu thị VINCOM có một tuyến đường ngắn rẽ ngang nối với Phố Huế: Đó là đường Thái Phiên. Từ năm 2008, con đường này được phân thành đường một chiều, chỉ cho các loại phương tiện đi từ ngã năm Bà Triệu sang hướng Phố Huế và tất nhiên là cấm phương tiện đi theo chiều ngược lại. Biến báo cũng được cắm rất rõ ràng tại mỗi nút giao thông trên tuyến đường này nhưng người tham gia giao thông mà chủ yếu là người điều khiển xe máy cũng coi như không có và vẫn hồn nhiên đi ngược chiều.

Tương tự như thế, cuối đường Trần Nhân Tông, đoạn từ cổng Công viên Thống Nhất đến đường lê Duẩn có phân làn hai chiều, có dải phân các cứng ở giữa. Theo đó, các phương tiện từ đường Trần Bình Trọng rẽ trái sang đường Trần Nhân Tông phải vòng sang phần đường bên phải phía giáp công viên Thông Nhất; tuy nhiên rất nhiều phương tiện mà chủ yếu là xe máy cứ vô tư rẽ luôn sang phần đường bên trái phía giáp hồ Thiền Quang, tạo nên xung đột với luồng phương tiện đi ngược chiều, mặc dù ở đầu dải phân cách ngã ba này có cắm biến cấm rất rõ ràng.

Nguy hiểm hơn, ở đầu đường Phạm Ngọc Thạch, nơi giao cắt với đường Đào Duy Anh và đường Xã Đàn cũng có tình trạng các phương tiện giao thông, mà chủ yếu là xe máy thường xuyên đi ngược chiều tạo nên xung đột giao thông rất lớn và thường xuyên gây ra tai nạn. Nút giao thông này tương đối phức tạp, đường Phạm Ngọc Thạch là đường hai chiều nhưng có một đoạn ngắn từ điểm giao cắt với đường Đào Duy Anh đến điểm nối vào đường Xã Đàn lại là dường một chiều, theo đó các phương tiện chỉ được lưu thông theo chiều từ đường Xã Đàn sang đường Phạm Ngọc Thạch và đường Đào Duy Anh. Tuy nhiên rất nhiều xe máy đi từ đường Phạm Ngọc Thạch cứ ngang nhiên đi ngược chiều vào đoạn đường này tạo xung đột giao thông rất lớn với luồng phương tiện từ dường Xã Đàn rẽ sang. Lưu lượng phương tiện tại nút giao thông này rất lớn, nhất là giờ cao điểm nên tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra. Chị Trần Phương Liên, bán hàng vải ở cửa hàng Thúy Lan tại ngã ba Phạm Ngọc Thạch – Đào Duy Anh cho biết tại nút giao thông này không ngày nào là không xảy ra tai nạn, nhiều thì 3 – 4 vụ, ít cũng 1 – 2 vụ. Sáng 21/3, có mặt tại nút giao thông này, chúng tôi đánh liều “dừng” hai xe máy đi ngược chiều và hỏi người điều khiển xe có nhìn thấy biển cấm đi ngược chiều ở đầu ngã ba không thì một thành niên tên Q trả lời không để ý còn chị H. thì nói rằng có trông thấy nhưng “đi tắt cho tiện”.

Trong bài viết này, chúng tôi chưa bàn về tính hợp lý của các biển báo trên mà chỉ muốn nhấn mạnh một điều: Các biển báo giao thông chính là nội dung của pháp luật, một khi pháp luật được thiết lập thì cần duy trì nghiêm để chứng tỏ uy lực của pháp luật và điều quan trọng là tạo thành thói quen, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Còn nếu các cơ quan chức năng thấy chưa đủ sức duy trì trật tự ở các điểm giao thông nói trên thì có thể dỡ bỏ các biển báo, tránh để cho tình trạng vi phạm pháp luật trở thành phổ biến và là điều “bình thường”, dần dần sẽ tạo thành thói quen không chấp hành luật pháp. Vì chính điều đó từng ngày từng giờ diễn ra sẽ làm suy giảm hiệu lực của pháp luật và xói mòn ý thức chấp hành luật lệ giao thông vốn đã rất mờ nhạt của người dân./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *