Không còn mục tiêu siêu lợi nhuận
trong khi nguồn cung khá dồi dào, theo khảo sát của các công ty quản lý bất động sản, tình hình giao dịch trên thị trường Tp.HCM lại rất trầm lắng.
trong tám tháng qua, tỷ lệ căn hộ đã giao dịch thành công sau khi đưa ra thị trường đạt khá thấp, chỉ có 14% căn hộ cao cấp giao dịch thành công, căn hộ tầm trung được 17% và căn hộ bình dân nhờ giá thành vừa túi tiền, nên tỷ lệ mua bán khá hơn, được 20%.
Bản thân nhiều chủ dự án cũng phải thừa nhận thời kỳ siêu lợi nhuận đã qua, không phải dự án nào cứ chào hàng ra thị trường cũng bán được ngay. Vì giờ đây người mua nhà không còn vội vã.
Ngoài việc có quá nhiều sự lựa chọn, người mua nhà còn chọn lựa về thương hiệu của chủ đầu tư; tiếp đó là khoảng cách từ căn hộ đến các khu dân cư xung quanh, chương trình thanh toán, thiết kế của toà nhà căn hộ, các tiện ích được thụ hưởng, các chi phí quản lý, và điều quan trọng là giá cả.
Hàng loạt dự án căn hộ trung cấp trên địa bàn Tp.HCM cũng đã phải áp dụng chính sách giá mềm để kéo khách. Tại dự án Happy plaza quy mô 600 căn hộ ở huyện Bình Chánh, Tp.HCM, ông Võ Thanh Tùng, tổng giám đốc tập đoàn Happy, chủ đầu tư dự án cho biết, đã bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng để mua bảo hiểm cho toàn bộ công trình trong năm năm. Mức giá bán dự kiến chỉ khoảng 12,5 – 13,5 triệu đồng/m2, với diện tích căn hộ khoảng từ 60m2, nên tổng số tiền cho một căn hộ ở mức vừa phải.
Hoặc tại dự án tdH – trường Thọ (quận Thủ Đức), mặc dù dự án đã đưa vào sử dụng, nhưng giá chỉ khoảng 15 triệu đồng/m2, và khi mua căn hộ tại đây, khách hàng sẽ được tặng gần như toàn bộ nội thất. Dự án Tân Tạo trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, cách khu đô thị phú Mỹ Hưng không xa, nhưng giá cũng chỉ khoảng 12,5 triệu đồng/m2.
Thậm chí đã có dự án, trước đây được thiết kế hàng loạt căn hộ diện tích 200 – 300m2/căn, nay đã được điều chỉnh chỉ còn trên dưới 100m2/căn cho phù hợp với năng lực tài chính của phần lớn khách hàng. Việc thay đổi này cũng do sự nghiệt ngã của thị trường địa ốc hiện nay.
Giá khó giảm hơn nữa
Thực ra, thị trường địa ốc nhiều năm qua vẫn cứ lặp đi lặp lại điệp khúc nóng sốt, rồi nguội lạnh. Chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp hơn thua nhau ở sự phán đoán và các bước đi.
Có người kỳ vọng vào những đợt sốt nhà đất, nhưng cũng có người chỉ trông đợi vào một thị trường ổn định. Việc nhiều chủ đầu tư chuẩn bị “bung” hàng trong lúc thị trường đang đóng băng, được giới quan sát đánh giá là một quyết định táo bạo, vì nhiều dự án trên thị trường vẫn chọn cách nằm im, thăm dò.
Về phía các chủ đầu tư, họ cho rằng, rất khó có thể ngồi chờ đến khi thị trường khởi sắc, và hơn nữa, ai có thể đoán chắc khi nào thị trường khởi sắc. Chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp phát triển bất động sản bây giờ buộc phải giảm giá bán, giảm doanh thu để chia sẻ lợi nhuận với khách hàng, lấy tiền đi đầu tư dự án khác.
Về phía người có nhu cầu về nhà ở có thể xác định được mức giá hợp lý hay không bằng cách lấy giá công bố, trừ đi những khoản chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra hoàn thiện công trình. Nếu mức chênh lệch không cao, thì đó là giá hợp lý, có thể mua vào. Vào thời điểm vật liệu xây dựng đang tăng giá liên tục như hiện nay, những dự án nào đang xây dựng mà đưa giá ra thị trường vào khoảng từ 13 triệu đồng/m2, thì những dự án đó đang vào đáy của thị trường và khó có thể giảm hơn được nữa”, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản Tp.HCM phân tích.
(Theo SGTT)