|
KTĐT – Thực trạng khai thác, buôn bán vận chuyển bất hợp pháp động vật hoang dã (ĐVHD) lâu nay ở nước ta vẫn luôn là vấn đề nhức nhối, khó hạn chế, trong khi hàng trăm loài đang có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng, hệ sinh thái đang bị tổn hại nghiêm trọng.
Tệ nạn này lại thêm một lần nữa được Ban Tuyên giáo T.Ư cùng giới bảo tồn đưa ra tại hội thảo “Bảo vệ động – thực vật hoang dã, góp phần bảo tồn bền vững tài nguyên thiên nhiên tại VN” diễn ra ngày 12.8 tại Ninh Bình.
Ngang nhiên săn và… ăn
Đó là cách nói thẳng thắn của GS-TS Đặng Huy Huỳnh – Chủ tịch Hội Động vật học VN – khi bàn về vấn đề này. Là người có thâm niên 50 năm trong nghiên cứu bảo tồn ĐVHD và là thành viên chủ lực cuốn Sách đỏ VN, GS Huỳnh lo ngại: “Danh sách ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng dày thêm – từ 300 loài lên gần 1.000 loài hiện tại. Với tốc độ săn bẫy để phục vụ cho các nhà hàng sang trọng, các khu nghỉ mát thì dù hàng trăm ngàn khu bảo tồn hoạt động hết công suất, cũng không bao giờ đuổi kịp tốc độ tiêu xài thịt thú rừng trên bàn tiệc của các đại gia”.
Theo Hội Động vật học VN, các loài bị khai thác bất hợp pháp chủ yếu là rắn, kỳ đà, tê tê, hổ, gấu, voi… Tỉ trọng các cá thể được khai thác gồm thú rừng 20%, rắn 45%, rùa 30%… với hơn 66% sử dụng làm thực phẩm.
Tình trạng săn bắt, vận chuyển trái phép ĐVHD quý hiếm qua biên giới đang cực kỳ báo động. Tháng 6 và tháng 7, Cục Kiểm lâm phát hiện một cá thể voi bị giết lấy ngà tại Đắc Lắc cùng 5 cá thể voi, bao gồm cả voi non bị chết tại Đồng Nai. Ngày 16.7, một xe taxi bị phát hiện chở một cá thể hổ chết đông lạnh cùng 2 bộ xương hổ…
Nghiêm trọng hơn – mới đây (ngày 29.7), cơ quan hải quan phát hiện 511kg ngà voi nhập khẩu vào cảng Hải Phòng từ
Hành lang pháp lý chưa đủ sức răn đe
ĐVHD chủ yếu được nhập về và tái xuất sang Trung Quốc. Theo thống kê, tổng doanh thu hằng năm từ buôn bán ĐVHD bất hợp pháp ở nước ta là 66,5 triệu USD. Ông Nguyễn Thế Đồng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – cho biết, hành lang pháp lý xem ra chưa đủ sức răn đe bởi mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường.
“Một bộ phận không nhỏ trong xã hội coi thói quen ăn sản phẩm ĐVHD. Có cung ắt có cầu. Kể cả có tăng lực lượng kiểm lâm từ 10 nghìn lên 30 nghìn người thì cũng khó mà ngăn được những tay săn bắt động vật mang về khoản siêu lợi nhuận” – ông Đồng cho hay. GS Đặng Huy Huỳnh dự báo, với tốc độ săn bắn và nguy cơ đe dọa tuyệt chủng của nhiều ĐVHD quý hiếm hiện tại, chỉ trong 5 – 10 năm nữa, hệ sinh thái nước ta sẽ mất cân bằng nghiêm trọng.
Trong khi việc xử lý vi phạm buôn bán, vận chuyển trái phép ĐHVD vẫn chỉ như muối bỏ bể, giới bảo tồn cho rằng, việc tạo nguồn sinh kế ổn định cho người dân nghèo – thay vì kiếm sống bằng săn bắt, khai thác bừa bãi động – thực vật phải là liệu pháp bền vững. Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực từ 1.7, đã mở đường cho nhiều người dân khi được hoạt động và kiếm sống trong các khu bảo tồn trong khuôn khổ pháp luật, thay vì bị cấm như trước đây.
Các ban quản lý được phép kinh doanh, khai thác, nuôi trồng và trao đổi động – thực vật – kể cả ĐVHD trong danh mục cho phép. Ngoài ra, việc gây nuôi ĐVHD theo hướng xã hội hóa cũng được khuyến khích triệt để, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở một số loài phổ biến như nhím, trăn, cá sấu… Các loài đặc biệt quý hiếm như hổ, gấu vẫn chưa đủ điều kiện về kỹ thuật và quy mô để gây nuôi và bảo vệ tập trung.
Hiện cả nước mới chỉ có Trung tâm cứu hộ ĐVHD tại Tam Đảo mới đủ sức chứa khoảng gần 1.000/hơn 4.000 con gấu cả nước, còn lại vẫn chỉ nuôi tản mát. Các nhà khoa học khuyến cáo, nếu không nuôi đúng quy trình kỹ thuật thì việc gây nuôi sẽ phản tác dụng…
Theo Hội Động vật học VN, nước ta có 21.125 loài ĐVHD. Trong đó, có 7.750 loài côn trùng, 1.100 loài cá nước ngọt, 2.038 loài cá biển, 162 loài lưỡng cư, 296 loài bò sát, 840 loài chim, 310 loài thú, 17 loài thú biển cùng hàng chục ngàn động vật không xương sống – phân bổ trong hệ sinh thái rừng trên đất liền, rừng ngập mặn, đất ngập nước, vùng biển…
Hà Nội: 82% số dân đã từng ăn thịt thú rừng. Đây là số liệu điều tra mới nhất tại thành phố HN của Tổ chức quốc tế bảo tồn ĐVHD Traffic. Có 47% số người được hỏi cho biết đã từng sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD, 50% số người dùng sản phẩm ĐVHD để tăng cường sức khỏe. 43% đối tượng sử dụng thịt ĐVHD là nhóm doanh nhân, 34% là nhóm cán bộ, công chức nhà nước…
Theo LĐ