Tình trạng hạn hán năm nay diễn ra phức tạp, gay gắt khiến người dân phải chắt chiu từng giọt nước để cầm cự chờ mưa.
Khát Tới Bình Thuận vào những ngày nắng nóng mới thấy hết được những cực nhọc mà người dân đang phải chống chọi để dành dụm từng giọt nước. Tại xã Bắc Ruộng, Đức phú cái nắng đã làm cho cả vùng quê trở nên xơ xác, khô héo. Một nông dân trong làng than thở: mùa khô năm nào cũng nắng nóng cả, nhưng năm nay từ hơn 1 tháng trước đã thiếu nước trầm trọng, giếng nước cạn đáy, đào sâu thêm cũng không ăn thua, trong khi mỗi ngày nhà xài hết 2 – 3m3 nước nên mặc dù có giếng vẫn phải mua thêm nước ở thị trấn. Nước đắt, nên chỉ dành phục vụ cho người, đàn heo trong nhà đành phải bán vì tiền nước phục vụ cho heo còn đắt hơn tiền bán heo. Tại thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh có rất nhiều xe bồn chở nước đi bán với giá từ 60 – 80 nghìn đồng/m3. Ngoài ra, dịch vụ đào giếng cũng bắt đầu nở rộ, giá đào giếng rất cao nhưng có khi đào sâu tới vài chục mét mà vẫn chưa có nước nên nhiều người chọn giải pháp mua nước cho chắc ăn. trong khi đó, hệ thống nước tại Hồng Liêm – Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, tuy đã khoan thêm 12 giếng và bổ sung nguồn nước từ hồ thủy nông Bình Tân nhưng trong tháng 4 mỗi ngày cũng chỉ khai thác được 350 – 370m3, nếu tới tháng 6 vẫn chưa có mưa thì khả năng chỉ khai thác được 300m3/ngày. Ở các huyện Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Hàm Tân… hiện đã bắt đầu có mưa nhưng do người dân và chính quyền xã không đồng ý cho các nhà máy cấp nước khai thác nước ở các hồ thủy nông để sử dụng cho sinh hoạt nên mặc dù đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đủ nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, trong khi đó việc khoan thêm giếng cũng chỉ giải quyết được tình trạng tạm thời.
Ứng phó lâu dài Theo bà trần Thị Thu Cúc – phó phòng quản lý cấp nước, trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT), nguyên nhân của tình trạng trên là do tình trạng nắng nóng kéo dài, mưa đến muộn, lượng nước dự trữ trong các hồ chứa đều cạn kiệt hơn so với năm trước, hồ chứa nước tại Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam và hồ chứa nước Tân Minh, huyện Hàm Tân đã khô cạn hoàn toàn trong khi nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của nhân dân các địa phương tăng đột biến. Hai nhà máy cấp nước sinh hoạt do trung tâm Nước sạch và VSMTNT quản lý hiện đã phải ngưng hoạt động hoàn toàn khiến nhân dân khu vực huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam phải “ngắc ngoải” vì khát. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt tập trung nhiều nhất là ở các công sở, văn phòng. Theo bà Cúc, để giải quyết tình trạng thiếu nước hiện nay tại một số huyện, biện pháp trước mắt là trung tâm Nước sạch và VSMTNT (Sở NN&pTNT) đã đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ 216 triệu đồng để vận chuyển nước sinh hoạt từ nơi khác về. Sở NN&pTNT cũng kiến nghị các ngành liên quan và UBND tỉnh quan tâm bố trí thêm nguồn vốn ngân sách hàng năm để tăng cường đầu tư vận hành trạm bơm cung cấp nhằm hạn chế căng thẳng thiếu hụt nước phục vụ sinh hoạt cho dân. Về biện pháp lâu dài, theo ông Lý Hữu phước – Giám đốc trung tâm Nước sạch và VSMTNT thì, Sở NN&pTNT, UBND tỉnh cần chỉ đạo các địa phương, Sở TN&MT quan tâm quản lý nguồn nước, ưu tiên cho các nhà máy nước khai thác các nguồn nước ngầm và nước mặt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hơn là cho các nhu cầu khác. Đối với các hồ chứa cần có biện pháp nâng cấp để nâng công suất bởi Bình Thuận là một trong những địa phương hàng năm đều bị hạn hán nhất nước. Nhu cầu tăng nguồn nước sạch phục vụ nhân dân ở nông thôn hàng năm là rất cao nhưng đầu tư cơ sở vật chất luôn không theo kịp tốc độ phát triển. Ngoài ra, việc đầu tư nối mạng giữa các ống tuyến với một số hệ thống nước cũng sẽ giải quyết được tình trạng thiếu nước giúp điều tiết bổ sung nguồn nước lẫn nhau. |
Bình Thuận: Ngắc ngoải vì khát!
26
Bài trước