Nhiều người đã biết kiểu nhà biệt thự Pháp xây trước đây ở Việt Nam luôn thấy mát mẻ vì được làm thông thủy cao và mái ngói rộng. Điều này đúng nhưng chưa đủ, vì nếu để ý thêm, ta sẽ thấy hệ thống tường dày cộng với hành lang bao quanh và dùng cửa lam chớp giúp nhà cách nhiệt tốt hơn và thông gió cũng tốt hơn. Nhà hiện đại vì vấn đề “tấc đất tấc vàng” đã bỏ qua việc cách nhiệt theo kiểu này.
Bên cạnh đó, cần lưu ý đến bao cảnh bên ngoài nhà để tính toán hình dáng, bố trí tường ngoài và trổ cửa cho phù hợp. Những nơi trống trải thì gió mạnh hơn như đồng trống, ven sông, ven biển… cho nên khối nhà ở những vùng đó cần thiết kế mang tính khí động học mềm mại để gió không tác động trực tiếp vào mặt nhà mà men theo các mảng cong, giảm bớt áp lực gió ngang. Để giảm việc “gió vào nhà trống” thì những bình phong (thiên nhiên hay nhân tạo) rất cần thiết nhằm giúp giảm bớt tốc độ gió, đồng thời tăng thêm khả năng chống bức xạ cho bề mặt nhà.
Cách nhiệt từ trên xuống thông qua kết cấu mái cũng vậy. Đối với mái dốc, dù lợp bằng vật liệu dày (tôn cách nhiệt, ngói, thậm chí đúc bê tông rồi dán ngói lên) thì vẫn phải lưu ý làm khoảng trống thông gió dưới mái. Khoảng trống này có thể là một sàn áp mái để sử dụng làm kho, cũng có thể chỉ là khoảng trần đóng ngang hoặc đóng nghiêng theo mái, nhưng luôn đảm bảo có khoảng hở thông gió ra vào để tránh tích nhiệt. Đối với mái bằng, thay vì để một sân thượng trống thì nên bố trí chức năng sử dụng đi kèm biện pháp cách nhiệt. Ví dụ sân phơi thì nên có mái nhẹ (phòng khi mưa và tránh để quần áo tiếp xúc trực tiếp với bức xạ), sân cây cảnh thì có khung, giàn cây leo kết hợp chắn nắng.
|
|
|
Xuân Trang
Chia sẻ với bạn bè qua: |