Cẩm Sơn – Làng mới tuổi 40

Giống như các địa phương khác trong cả nước, tỉnh Hải Dương hiện đang nỗ lực tìm kiếm và xây dựng mô hình nông thôn mới phù hợp với tình hình phát triển mới. trong khi mô hình mới ưu việt chưa hình thành thì Hải Dương nhắc nhiều đến một mô hình quy hoạch nông thôn ra đời cách đây ngót ngét 40 năm. Đó là mô hình quy hoạch theo dạng ô bàn cờ của xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng –  một xã bé nhỏ, chỉ gồm có 3 thôn (3 làng).


Ao 5 thước vuông giờ đây trở thành ao cảnh, khuôn viên trên 800m2 được chia nhỏ theo nhu cầu sử dụng

Ra cổng là đến đường…

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến làng là Cẩm Sơn khác biệt với cấu trúc làng xã truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ vốn được gắn với hình ảnh khá quen thuộc là ngõ nhỏ quanh co, mọi ngả đường xương cá đều hướng đến khu trung tâm… Đường làng ngõ xóm của Cẩm Sơn khác hẳn, vuông vức và bài bản. Xã có một đường trục chính rộng trên 10 m và có hai trục phụ chạy song song rộng 5m. Dọc các trục này, cứ khoảng 90 m dài lại có một đường xương cá cắt ngang, rộng 4m. Điều đặc biệt là tất cả các đường đều có cống thoát nước 2 bên, mỗi bên cống rộng 0,5m. Cách bố trí đường làng ngõ xóm như thế này, nhìn trên bản đồ, Cẩm Sơn thực sự giống như một bàn cờ. Còn quan sát trên thực địa, Cẩm Sơn cực kỳ tiện lợi và thú vị. Nhà nào ra cổng là đến đường. Hình dung một cách đơn giản hơn, ở Cẩm Sơn ô tô con có thể vào đến tận cửa từng nhà. Cẩm Sơn không có ngõ cụt, đường cụt.


Chùa Giám quay hướng Đông.

Sự tích làng…

Sở dĩ có cấu trục đặc biệt, khác lạ so với làng xã truyền thống như vậy là bởi Cẩm Sơn được quy hoạch mới hoàn toàn vào những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước. trò chuyện với chúng tôi, ông phạm Nguyên Hãn 78 tuổi, nguyên là Bí thư Đảng bộ xã từ năm 1968 đến năm 1985 còn nhớ nguyên vẹn các mốc thời gian quan trọng trong lịch sử lập làng. Bằng cách nói chuyện sôi nổi, nhiệt huyết, ông đưa chúng tôi trở về quá khứ, cách đây ngót ngét 40 năm.


Diện mạo khang trang của Cẩm Sơn, nhìn từ trục chính

Ông kể, Cẩm Sơn nguyên là làng được hình thành lâu đời bên bờ sông Thái Bình, cách vị trí hiện nay chừng 7 km. Làng nằm ngoài bãi, hàng năm cứ vào tháng 6 –7 – 8 nước lũ về, làng ngập, người dân chỉ còn biết rong chơi và đánh cá. Bù lại, được phù sa bồi đắp, đất làng màu mỡ, trồng trầu không xanh tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chẳng thế mà trong dân gian có câu: trầu không tổng Giám (Cẩm Sơn), thuốc lào Tân Miêng (Tiên Lãng). Nhà nhà trong làng khá giả. “Những năm đó, trong làng, nhà ngói 5 gian, 3 gian không phải là ít”- Ông Hãn tự hào.

Những cũng chính vì bị ngập lũ liên miên nên đời sống của người Cẩm Sơn không ổn định, tài sản và tính mạng luôn bị thủy thần đe dọa. Đầu những năm 60, nhà nước vận động bộ đội và nhân dân đắp đê bối giữ làng. Đến năm 1968, lũ lớn, đê bối vỡ, dân làng chạy tá hỏa khắp nơi, sau lũ co cụm lại tá túc sát chân đê. Năm 1969, đê vỡ một lần nữa, làng như không còn đất sống, dân hoảng sợ thực sự, chạy dạt bất kỳ nơi nào.

trước tình hình cấp bách này và cũng là để tránh cho làng khỏi bom đạn của đề quốc Mỹ, Chính phủ ra nghị quyết yêu cầu di dời toàn bộ xã từ ngoài đê vào nội đồng. Từ đây câu chuyện dời nơi ở cũ, lập làng mới bắt đầu.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, đầu năm 1970, những cán bộ chủ chốt của xã về vị trí của Cẩm Sơn hiện nay khảo sát và nhận đất. Khi đó, đất là cánh đồng do 5 xã lân cận nhường lại. Người Cẩm Sơn ngao ngán. Họ không chỉ tiếc nơi ở lâu đời, tiếc những ngôi nhà ngói khang trang mà nếu dỡ ra chỉ còn là đống gỗ, gạch và ngói vụn mà còn hoang mang vì lâu nay họ chỉ trồng màu, không quen cấy cày. Họ lo lắng khi nhìn nơi ở mới không nguồn nước phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt.

Chính vì tâm lý tiếc nuối và ngần ngại đó mà phải đến năm 1974 việc dời làng đến an cư ở nơi ở mới mới hoàn tất. trong 4 năm đó là cả quá trình vận động bền bỉ của chính quyền các cấp, là sự đấu tranh khá gay gắt giữa những người Cẩm Sơn muốn ở lại và những cán bộ tiên phong gương mẫu di dời nhà đến nơi ở mới được gán cho cái tên không mấy thiện cảm “bọn Tân Sơn”. Ông Hãn giải thích: trong 4 năm di chuyển làng, xã mới có tên là Tân Sơn. Chỉ khi 60% hộ dân ở làng cũ về định cư ở làng mới, số hộ còn lại ghép vào các làng lân cận nơi ở cũ trong đê, công việc di dời hoàn tất thì xã mới chính thức được lấy lại tên gọi lâu đời Cẩm Sơn.


Ôtô con có thể vào đến cổng từng nhà

Quê mới…

Nói về ý tưởng quy hoạch làng ngày ấy, ông Hãn hào hứng: Khi đó công tác di dời làng đến nơi ở mới của Cẩm Sơn nhận được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của nhiều cấp từ trung ương đến địa phương. Nhưng ý tưởng quy hoạch cơ bản là do cán bộ xã, đứng đầu là ông đề xuất. Ban đầu có 3 phương án được đưa ra. phương án thứ nhất là đào ao lớn. Mỗi ao quy hoạch 8 hộ quay xung quanh. phương án này được cho là không công bằng giữa các hộ nên không được chọn. phương án thứ hai là từ trục chính của làng, mở các đường nhánh xương cá hướng tâm, các hộ quay lưng lại với nhau và quay mặt tiền ra đường. phương án này cũng không khả thi vì các ngôi nhà trong làng sẽ có nhiều hướng khác nhau, vừa lộn xộn vừa không hợp ý dân vì theo kinh nghiệm dân gian xây nhà phải quay hướng Nam. Sau cùng, phương án quy hoạch làng theo ô bàn cờ được lựa chọn. Mỗi hộ được cấp một lô đất rộng như nhau 840 m2 và phải tuân thủ một số quy định như nhà nào cũng phải đào ao rộng 5 thước vuông trong khuôn viên để lấy nước phục vụ sinh hoạt và tưới cây vườn, cùng dựng nhà hướng Nam, Đông Nam và bố trí sao cho nhà nọ không nhìn thấy nhà xí của nhà kia. trong làng thì vậy, còn ngoài cánh đồng, các hộ cùng nhau đào kênh mương dẫn nước từ sông Thái Bình về phục vụ tưới tiêu…


Ông Hãn vẽ lại quy hoạch Cẩm Sơn.

Ông Hãn bùi ngùi: Ngày nhận đất, nhà thì đóng cọc tre, nhà thì cắm 4 góc đất 4 cành dâu. Rồi dần dần, với sự hỗ trợ của Nhà nước (trung bình mỗi hộ 400 đồng và 40 kg gạo) và với nỗ lực của chính quyền xã, của từng hộ, những căn nhà tranh tre nứa lá được dựng lên. Tỉnh, huyện, xã cố gắng lắm chỉ dựng được 8 căn nhà ngói ở 8 hướng của xã làm điểm. “Tết năm đó, nhà nhà cắm cờ, làng đẹp một cách lạ lùng, rực màu đỏ. Bởi làng nào đã có cây cối gì, ngoài những ngôi nhà tranh”.

Chúng tôi hỏi: Vậy ngày đấy, những cán bộ xã như ông có kiến thức gì về quy hoạch xây dựng không? Ông Hãn nói: “Năm 1964 – 1965 tôi được cử học trung cấp nông nghiệp và biết chút ít về  quy hoạch nông thôn, về xây dựng hợp tác xã. Chính vì vậy khi bắt tay xây dựng quê hương mới, nguyên tắc đầu tiên mà chúng tôi chú trọng là quy hoạch làng như thế nào để đưa nông sản từ cách đồng về nhà thuận tiện nhất. Nhờ vậy mà Cẩm Sơn có được hệ thống giao thông nội bộ rộng, mở, thoáng, tốt hàng đầu trong khu vực nông thôn của cả nước.

Ngoài ra, theo lời ông Hãn, ngày ấy công tác quy hoạch còn chú trọng đến vị trí đặt các công trình công cộng. Dọc trục chính của xã phân bố thành 3 khu. Đầu làng bố trí hợp tác xã, kho lương thực… Giữa làng là trụ sở UBND, nhà văn hóa và chùa… Cuối làng là cụm các công trình văn hóa xã hội như trường học, trạm xá…

Ông Hãn cười: “Quy hoạch ngày ấy đến nay được chứng minh là có nhiều ưu việt nhưng cũng vẫn có cái chưa được. Ví dụ, năm 1974, khi di chuyển chùa làng từ nơi cũ về nơi mới, do không thông thạo, xã đã dựng lại chùa ở vị trí hiện nay, mặt chùa quay hướng Đông mà lẽ ra, chùa phải quay hướng Tây. Nhưng sau thấy người làng vẫn ăn nên làm ra, làng phát triển đều đều nên xã không tính việc xoay hướng chùa nữa”.


“Rời quê là một cuộc cách mạng”

Cẩm Sơn ngày nay

Như bao làng quê khác, sau gần 40 năm hình thành và xây dựng, diện mạo của Cẩm Sơn giờ đây thay đổi rất nhiều. Những ngôi nhà tranh nằm nép kiêm nhường trong khu vườn rộng được thay thế bằng những ngôi nhà xây vững trãi, bề thế. Các nhà nằm sát trục chính xuyên tâm xã gần như đã chia lô, xây dựng nhà ở san sát, mặt tiền hướng ra mặt đường chẳng khác nhà trên phố là mấy. trong làng, do nhu cầu về chỗ ở tăng lên, nhiều nhà đã chia nhỏ khuôn viên vuông vức năm xưa cho con cháu. Nhà ở xây mới giờ đây cũng không còn nhất nhất quay theo hướng Nam và Đông Nam nữa mà xây theo hướng phù hợp với tuổi gia chủ… Chỉ có cấu trúc của làng là vẫn thế. Giao thông của Cẩm Sơn vẫn tươm tất, sạch sẽ, thoáng rộng như thủa ban đầu lập làng.

Giống như ông Hãn, người dân tự hào về cấu trúc đặc biệt của Cẩm Sơn. Song họ cũng trăn trở trước sự phát triển của Cẩm Sơn nay mai. Anh phạm Tiến triểu – Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn – cho biết: Hiện nay chính quyền đang cùng với đơn vị tư vấn của tỉnh nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xã theo hướng giữ nguyên cấu trúc xã hiện hữu. Tuy nhiên do khu vực trung tâm không còn quỹ đất để phát triển nên xã sẽ được quy hoạch mở rộng về hướng Nam. Khu vực mở mới sẽ bố trí các công trình công cộng như công viên, nghĩa trang liệt sỹ, trung tâm giáo dục, văn hóa thể thao, các khu dịch vụ…

Còn ông Hãn thì ấp ủ việc viết lịch sử làng từ thủa hình thành xa xưa nơi bãi sông đến ngày lập làng mới cách đây xấp xỉ 40 năm. Và dù ở thời kỳ nào thì ông cũng rất tự hào về vùng quê nhỏ bé được công nhận là xã Văn hóa và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *