Khi trao đổi với chủ đầu tư của một ban quản lý dự án giao thông thuộc Bộ GTVTthì ông này cho biết: “Khó khăn lớn nhất của chủ đầu tư các dự án giao thông là mặt bằng sạch để thi công. Tuy nhiên, khó mà chẳng dám kêu, vì phần việc GPMB thuộc về địa phương nơi có dự án đi qua. Nếu kêu quá thì họ sẽ làm khó dễ mình trong phần việc sau này…”. Có lẽ vì vậy mà nhiều công trình giao thông đã phải kéo dài tiến độ qua nhiều năm, tiêu tốn thêm tiền tỷ từ nguyên nhân chậm GPMB.
Điểm mặt các dự án chậm GPMB
Trên địa bàn Hà Nội hầu hết các dự án giao thông đều nằm trong tình trạng chậm tiến độ vì không có mặt bằng thi công. Cụ thể là công trình cầu Vĩnh Tuy do Ban quản lý hạ tầng Tả ngạn làm chủ đầu tư; công trình cầu Thanh Trì do Ban quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư, đều bị chậm tiến độ vì lý do GPMB. Dự án đường vành đai III từ Mai Dịch đến Pháp Vân, theo kế hoạch của Bộ GTVT đưa ra để các cơ quan liên quan làm mốc triển khai thì việc hoàn tất GPMB phải được kết thúc vào tháng 5/2008, nhưng đến nay vẫn còn ách tắc ở rất nhiều điểm… Mặc dù thành phố Hà Nội đã áp dụng cơ chế đặc thù cho việc GPMB tại địa bàn quận Thanh Xuân, nhưng đến nay vẫn còn hàng trăm hộ dân chưa nhận tiền đền bù.
Dự án cải tạo, nâng cấp QL 32 đoạn Cầu Diễn – Nhổn đã phải thay đổi rất nhiều lần thời gian khởi công nhưng cho đến khi động thổ vào cuối tháng 10/2008 vẫn mới chỉ có được khoảng 300m, đủ để bố trí khu vực làm lễ. Mới đây, tổng kinh phí tiểu dự án GPMB của dự án này phải điều chỉnh lên hơn 1.155 tỷ đồng. Trong đó, khoản bổ sung xây dựng kinh phí xây dựng khu tái định cư là hơn 194 tỷ đồng và điều chỉnh kinh phí GPMB dự án từ 419,63 tỷ đồng lên hơn 960 tỷ đồng. Đến nay, chủ đầu tư vẫn đang chờ mặt bằng để thi công…Ngoài các dự án trên là dự án đường Văn Cao – Hồ Tây, Kim Liên – Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, cao tốc Hà Nội- Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Thái Nguyên, Láng – Hòa Lạc, cầu Nhật Tân, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2… cũng vướng GP mặt bằng
Giải pháp nào ?
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, không thể một sớm một chiều là tìm ra giải pháp để sớm có mặt bằng cho các PMU triển khai dự án. Vì việc GPMB nơi có dự án phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của chính quyền địa phương và vào cơ chế, chính sách đền bù, tái định cư cho các hộ dân mất đất. Nếu các chủ đầu tư nóng vội sẽ không giải quyết được vấn đềmà còn làm cho tình hình thêm nghiêm trọng.
Nhà nước cần tạo điều kiện cho địa phương (nhất là các đô thị) có nguồn vốn riêng không phụ thuộc vào vốn dự án xây dựng cầu đường như hiện nay để chuẩn bị sẵn quỹ đất, quỹnhà tái định cư, đáp ứng kịp thời nhu cầu GPMB xây dựng các công trình trên địa bàn.
Các địa phương cần thống nhất giá đất, hạn mức diện tích đất ở, đất canh tác ở vùng giáp ranh địa giới hành chính có các điều kiện tự nhiên và xã hội giống nhau. Tránh tình trạng vùng giáp ranh của hai huyện hoặc hai tỉnh có điều kiện tự nhiên và xã hội tương tự, nhưng giá đền bù và hạn mức diện tích đất lại khác nhau, gây thắc mắc, khiếu kiện kéo dài.
Cần hỗ trợ kinh phí chênh lệch đối với các hộ dân được bồi thường nơi ở cũ nhưng không đủ tiền mua đất tái định cư hoặc cho trả chậm để tạo điều kiện và khuyến khích các hộ dân sớm bàn giao mặt bằng cho dự án.
Việc xây dựng khu tái định cư phải được triển khai trước khi khởi công dự án, để rút ngắn thời gian GPMB. Chính phủ cần quy định việc xây dựng tái định cư theo cơ chế chỉ định thầu hoặc theo cơ chế, đặc biệt là giao nhiệm vụ thực hiện.
Chủ đầu tư phải rà soát ngay kế hoạch và đề ra tiến độ, chính quyền địa phương phê duyệt làm căn cứ triển khai thực hiện. Kế hoạch này phải công khai cho người dân, báo cáo cơ quan liên quan để thực hiện và giám sát. Quan trọng hơn, từ đó có thể chỉ rõ trách nhiệm của khâu nào, đơn vị nào để có biện pháp xử lý.Các quận, huyện, chủ đầu tư khẩn trương triển khai nghiên cứu và tổ chức tập huấn sâu rộng, theo phân cấp của thành phố, về các chính sách mới ban hành. Nếu không công khai, phổ biến rõ chính sách, người dân khiếu nại là chuyện bình thường.
Những vấn đề phát sinh trong GPMB phải tháo gỡ ngay theo đúng chức năng nhiệm vụ đã phân cấp cho chủ đầu tư, các quận, huyện. Cuối cùng cần có sự phối hợp đồng bộ, chuyên sâu giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương và các sở, ngành. Cụ thể, nên cử một cán bộ tham gia dự án đến cùng, tránh tình trạng nay cử người này, mai cử người khác, sẽ rất khó nắm bắt, giải quyết kịp thời tình hình mới phát sinh.
Thành Trung