Bên cạnh việc chặt thông để giành đất đầu tư ồ ạt các dự án, chuyện phân lô bán nền, xây dựng những cao ốc đồ sộ trong nội ô càng làm cho bộ mặt Đà Lạt thêm méo mó. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo…GS-TS Hoàng Đạo Kính cho rằng Tp Đà Lạt là một cá biệt hiếm hoi ở Việt Nam. Đà Lạt là đô thị có chức năng nghỉ dưỡng, có phong cảnh thơ mộng hữu tình và lối kiến trúc pháp tao nhã của nửa đầu thế kỷ XX, tất cả hòa quyện tạo nên một thương hiệu vô song cho Tp Đà Lạt.
Nồi lẩu thập cẩm! “Theo tôi, nước ta chỉ có Huế và Đà Lạt được gọi là đô thị di sản. trong khi Huế vẫn giữ được sự thống nhất và bản sắc kiến trúc của xã hội Việt Nam cuối thời kỳ phong kiến thì Đà Lạt đang phai phôi. Đà Lạt phát triển lớn mạnh nhưng sẽ trở thành như bất kỳ Tp nào ở nước ta, nói khác hơn là Đà Lạt đang đánh mất cái mình đang có”- GS-TS Hoàng Đạo Kính nhận định. Bộ mặt Đà Lạt hiện nay chẳng khác nào một nồi lẩu thập cẩm khi “trộn” chung kiến trúc pháp và kiểu kiến trúc “hiện đại” là những nhà ống, nhà hộp vuông vức! Nhất là ở khu trung tâm Tp, nhà cửa mọc lên như nấm, chen dày. Kiến trúc sư Lữ trúc phương cho rằng về mặt kiến trúc, Đà Lạt đã rơi vào tình trạng “cái sai này giẫm chân cái sai khác”. Theo ông, hầu hết kiến trúc nhà ở của người dân rất chắp vá, không có sự đồng bộ, tạo ra mỹ quan “lỏi chỏi” ở Đà Lạt. Nhà Đà Lạt học Lê phỉ cho rằng kiến trúc Đà Lạt đã trở thành một mớ hổ lốn. “Những điều nên làm thì lại không làm, còn việc không nên làm thì lại làm, điển hình là việc phá tan các biệt thự cổ” – ông bức xúc. Ông còn chỉ ra thực trạng hồ Than Thở, hồ Dankia đang cạn dần; hồ Mê Linh, hồ Vạn Kiếp thì bị “hóa kiếp”, còn rừng thông đã lùi xa 15 km so với năm 1975. “Việc đốn hạ rừng thông nguyên sinh ở hồ Tuyền Lâm và những dự án trên đó sau này sẽ làm ô nhiễm nước hồ, ảnh hưởng rất nhiều chất lượng nước của Tp Đà Lạt. Bây giờ khí hậu cũng nóng dần, mưa nhiều và dai dẳng hơn xưa” – ông chua xót nói. Xốc lại một Tp “xộc xệch” Điều đáng nói là ngay từ nửa đầu thế kỷ XX, các kiến trúc sư người pháp đã có những quy hoạch cụ thể và bài bản cho Tp Đà Lạt nhưng ở thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng của Tp Đà Lạt vẫn không thể làm nổi quy hoạch chi tiết mặc dù đã quy hoạch chung nhiều lần. Hiện trạng nhà cửa hiện nay của Đà Lạt chẳng khác nào cái bánh kem bị cắm tua tủa que diêm. Đặc biệt trong khu nội ô là sát sàn sạt những ngôi nhà hộp, nhà ống đang “ép” chết dần những ngọn thông cô độc! GS-TS Hoàng Đạo Kính cho rằng việc xây dựng những công trình “cỡ bự” trong nội ô đã phá vỡ cảnh quan đẹp đẽ của Đà Lạt, điển hình là hàng loạt công trình cao tầng quanh hồ Xuân Hương, sắp tới là những tòa cao ốc 20 tầng sau khi giải tỏa khu ấp Ánh Sáng! Những nhà hàng, khách sạn to oạch ưỡn ngực ra che mất những đường cong duyên thầm của phố núi. Theo ông, chính quyền Tp Đà Lạt phải hiểu rõ cái mình đang có để phát triển đúng hướng, đồng thời phải cân nhắc lại vấn đề hiện đại hóa ở Đà Lạt nếu không muốn Đà Lạt “xộc xệch” hơn nữa! Kiến trúc sư Lữ trúc phương và nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu tranh khẳng định việc phát triển nhà cao tầng ở Đà Lạt không xấu, tuy nhiên nó phải được quy hoạch vào vị trí thích hợp, tạo điểm nhấn cho đô thị. Bên cạnh đó, phải giữ gìn các kiến trúc cũ và vẫn “lái” Đà Lạt phát triển theo kiểu Tp trong rừng – rừng trong Tp. Không cho rằng cơ quan chức năng đang mất kiểm soát khi để tình trạng nhà ống, nhà hộp mọc dày trong nội ô, một lãnh đạo của phòng Kiến trúc Quy hoạch – Sở Xây dựng Lâm Đồng trần tình đó là sự không gặp nhau ở ước muốn của lãnh đạo và túi tiền của người dân. Dân số của Tp Đà Lạt đang tăng kéo theo nhu cầu nhà ở tăng, cấu trúc nhà phố lại rất tiện nên việc phát triển loại hình nhà ở này là điều tất yếu. trong khi đó, cơ sở hạ tầng và tiện ích đô thị ở những khu quy hoạch mới quá yếu kém nên người dân “chê” và tiếp tục cơi nới, xây nhà trong nội ô. Cơ quan chức năng không kịp hình thành những khu ở mới cho người dân, kết quả là khu nội ô bị nêm chặt như bây giờ. Không ai có thể tưởng tượng bộ mặt Đà Lạt sẽ ra sao trong 5 – 10 năm nữa. Cũng không ai biết tình trạng nhà cửa lố nhố như thế này sẽ dừng lại, giảm xuống hay tăng lên nhưng chắc chắn cảnh này sẽ tồn tại dài dài. Nói như một chuyên gia quy hoạch: Đôi khi tình trạng này lại được xem là một bản sắc! Thế nhưng bản sắc này dường như không phù hợp khi kiến trúc sư tài ba Ngô Viết Thụ trong một lần tiếp kiến lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã nói: Muốn quy hoạch lại Đà Lạt thì phải cầm búa lên, ông chỉ chỗ nào thì đập chỗ đó, như vậy mới mong phục hồi “dung nhan thiếu nữ” nguyên sơ của Đà Lạt!
|
Cân nhắc hiện đại hóa Đà Lạt
0
previous post