Trang chủ » Cần sớm ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông ở Đồng Tân- Bắc Giang

Cần sớm ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông ở Đồng Tân- Bắc Giang

bởi Kien Truc - Kientruc.vn





Xã Đồng Tân, huyện Hiệp Hoà , tỉnh Bắc Giang, hiện là một trong những địa bàn diễn ra tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông rất phức tạp và gây bức xúc ở địa phương từ nhiều năm nay. Thực trạng này đang cần các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp ở địa phương vào cuộc để đưa hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông ở đây vào nền nếp và xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực này.

Xã Đồng Tân nằm ven thượng nguồn sông Cầu và bên kia sông, giáp ranh với Đồng Tân là các xã Kha Sơn, Xuân Phương, Nga My và Hà Châu của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Chúng tôi về Đồng Tân vào một ngày tháng 5 này. Trên đường ra bến Tân Trung-nơi thường xuyên có nhiều tàu hút ( tàu cuốc ) cát, sỏi lòng sông nhất trên địa bàn xã hiện nay, đến đầu thôn Giang Đông, ông Tạ Đình Thuận, Trưởng công an xã, băn khoăn bảo: Đoạn đường từ đây ra bến Tân Trung chỉ dài chừng 2 km nhưng nếu đi qua cũng phải mất 40 phút vì mặt đường đã hỏng nặng, một trong những hậu quả rõ nhất do các xe tải chở cát, sỏi khai thác trái phép chạy quá nhiều. Quả thật, mặt đường này bị băm nát, dấu bánh xe tải tạo thành 2 rãnh song song và lồi lõm 2 bên đường, nhiều chỗ vẫn còn đọng nước dù trời đang tạnh ráo và những chiếc xe tải, xe máy đang phải dò dẫm mà bò nhích khi qua đây. Tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông Cầu trên địa bàn xã Đồng Tân diễn ra từ nhiều năm nay, chủ yếu do người dân trong xã thực hiện để đem đi tiêu thụ tại các địa phương trong 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Trên địa bàn xã hiện có 3 bến khai thác cát, sỏi, với tổng số 10 tàu cuốc của tư nhân xã này thường xuyên hoạt động, đều không có phép. Trong đó, bến Đồng Vân ( tên bến gọi theo tên thôn ), còn gọi là bến Hà Châu, có từ hàng chục năm nay nhưng do nguồn cát, sỏi cạn kiệt nên nay chỉ còn 1 tàu hoạt động; bến Giang Đông có từ năm 2003, lúc cao điểm có tới 8 tàu cuốc nhưng nay cũng do tài nguyên này cạn kiệt nên chỉ còn 2 tàu hoạt động; riêng bến Tân Trung hoạt động từ đầu năm 2008, hiện có 7 tàu của người dân xã Đồng Tân và 5 tàu của người dân xã Nga My hoạt động.

Theo ông Thuận, tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi trên địa bàn xã đã gây nhiều hậu quả xấu cho địa phương. Không chỉ phá nát đoạn đường giao thông nói trên ( mỗi ngày có từ 30-50 chuyến xe chạy qua ) khiến người dân, nhất là các cháu ở địa phương đi học hằng ngày qua đây rất khổ, hoạt động này còn làm sạt lở nhiều diện tích bãi bồi canh tác ven sông, gây mất an ninh trật tự do mâu thuẫn giữa người giữ đất canh tác có nguy cơ bị sạt lở với người khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông và gây ô nhiễm môi trường nước ở khu vực này. Cuối năm 2007, đã xảy ra xô xát giữa người dân thôn Tân Trung có đất canh tác ven sông với người dân xã Nga My sang khai thác trái phép cát, sỏi ở địa phận thôn này. Ngoài việc dầu mỡ, chất thải khác mà các tàu, thuyền thải ra trên mặt sông, nguồn nước ngầm gần các khu vực khai thác cát, sỏi ở đây cũng có độ phèn rất nặng. Trước đây, người dân có thể tắm trên sông và nước giếng không phải lọc thì nay không thể tắm trên sông và các hộ dân đều phải sửa lại giếng nước ăn và lọc nước mới dùng được. Trước tình trạng này, chính quyền xã đã cùng với các xã giáp ranh cùng nằm ven sông Cầu ( kể cả bên tỉnh Thái Nguyên ) ký cam kết phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông nhưng sự phối hợp này chưa thực sự hiệu quả; thường xuyên tổ chức tuần tra dọc sông Cầu thuộc địa bàn quản lý để nhắc nhở, xử lý vi phạm khi các tàu khai thác quá sâu vào bờ làm ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác ven sông. Những khi đoạn đường nói trên quá lầy lội, xã yêu cầu các chủ tàu khai thác cát, sỏi góp tiền tu sửa, nhưng cũng chỉ mang tính tạm thời. Việc bắt quả tang để xử lý các tàu khai thác cát, sỏi trái phép rất khó khăn vì khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng xã ra đến nơi thì các tàu đã dừng khai thác, dịch chuyển ra giữa sông là không thể làm gì được họ.

Qua tìm hiểu được biết, nguồn cát, sỏi lòng sông ở địa bàn xã Đồng Tân khá dồi dào, nhu cầu về cát, sỏi phục vụ cho phát triển kinh tế, dân sinh những năm gần đây rất lớn và do việc khai thác cát, sỏi trái phép nên càng đem lại nguồn lợi lớn cho nhiều người dân ở địa phương. Bình quân mỗi ngày, một tàu cuốc tối thiểu cũng khai thác được 30 m3 cát, sỏi và nhiều lên tới 60 m3. Mỗi tàu còn kèm theo 5-6 thuyền chở cát, sỏi vào bờ để chuyển lên hàng chục chiếc xe tải đem đi các nơi tiêu thụ. Do vậy, hoạt động này đã thu hút hàng trăm lao động địa phương, với mức thu nhập mỗi ngày của mỗi chủ tàu lên tới vài trăm ngàn đồng, còn mỗi lao động khác cũng được 40 ngàn đồng và theo một lãnh đạo xã thì đây là nguồn thu dịch vụ lớn nhất của người dân trong xã, mỗi năm thu khoảng 3 tỷ đồng. Điều đáng lưu ý là hiện xã cũng chưa biết khu vực sông Cầu trên địa bàn quản lý có nằm trong quy hoạch khai thác cát, sỏi lòng sông của tỉnh hay không và việc khai thác cát, sỏi này đang trái phép nhưng cũng chưa có biện pháp hữu hiệu, kiên quyết xử lý triệt để. Cán bộ xã còn cho biết, từ lâu nay, Trạm kinh doanh vật liệu xây dựng Hiệp Hoà vẫn thu phí tài nguyên khoáng sản của các xe chở cát, sỏi khai thác từ lòng sông ở đây và có trích một phần thu được cho xã để tu sửa giao thông. Theo ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch UBND xã, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông Cầu trên địa bàn nếu được quản lý tốt sẽ đem lại nguồn thu, giải quyết thêm việc làm đáng kể cho địa phương và đáp ứng nhu cầu cát, sỏi phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh. Ông đề nghị cấp trên sớm xem xét, cấp phép cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn xã để đưa hoạt động này vào nền nếp và hỗ trợ địa phương trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Tưởng, Trưởng phòng Tài nguyên-Khoáng sản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, khẳng định: Các hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông Cầu tại địa bàn xã Đồng Tân hiện nay đều là trái phép. Khu vực sông Cầu ở Tân Trung hiện nằm trong quy hoạch khai thác cát, sỏi lòng sông của tỉnh nhưng đến nay chưa có tổ chức, cá nhân nào được cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông ở đây. Trước đây, Trạm kinh doanh vật liệu xây dựng Hiệp Hoà có được cấp phép khai thác cát, sỏi nhưng đã hết hạn từ năm 2006.

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.