Chưa giải được bài toán nước sạch ở TP.HCM









“Khát” nước, thiếu nước sạch sinh hoạt… là điệp khúc lặp đi lặp lại hết năm này qua năm khác. Hay nói cách khác, nó cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”, biểu hiện sự yếu kém trong quản lý và quy hoạch để cung cấp nguồn nước sạch cho người dân TP.HCM. Bài toán ấy bao nhiêu năm vẫn chưa có lời giải.




Nước sạch… nhờ trời




Cơn mưa dữ dội (khoảng 110mm) chiều 7/3 làm toàn TP bị ngập, giao thông tê liệt, ai cũng than trời. Thế nhưng, người dân khu vực Q.7, Nhà Bè thì mừng ra mặt vì đó là cơn mưa “vàng”. Bà Nguyễn Thị Lê (đường Phạm Hữu Lầu, P.Phú Mỹ, Q.7) hồ hởi: “Gia đình tôi quá vui vì vừa xây xong cái bể 5m3 thì trận mưa ập tới rót đầy bể nước, giải cơn khát cho cả nhà trong mấy ngày qua”. Rồi bà than thở: “Cả tháng nay đi mua nước cực quá, giá mỗi mét khối gần cả trăm ngàn. Biết là đắt cũng phải mua. Người mỗi ngày về đây sinh sống thêm đông nhưng đường ống nước cứ “teo” dần. Khổ nhất là những người ở cuối nguồn, nước không bao giờ đến nơi”. Bà cũng không ngờ giữa mùa khô nắng khát, đi mua từng can nước thì ông trời lại thương tình cho đổ cơn mưa. Theo bà Lê, nhà đông người nên phải xây bể để chứa nước chứ không hy vọng gì nước máy. Mang tiếng là dân TP nhưng bao nhiêu năm nay, những hộ dân khu vực P.Phú Mỹ này nhà nào cũng thủ sẵn chum chậu chỉ để hứng nước. Chỉ tính riêng chuyện khoảng 2-3 giờ sáng thức dậy canh mở vòi nước để hôm sau cả nhà có nước sử dụng đã là một nỗi cực hình.




Cảnh chuyên chở nước như thế này vẫn diễn ra ở nhiều nơi tại TP.HCM.


Đối với những người dân huyện Nhà Bè thì điều mà họ mong ước là quanh năm đều có mưa vì với họ, nước mưa vẫn là nguồn nước sinh hoạt chính. Đặc thù của vùng sông nước, nên phần lớn đều vận chuyển nước bằng sà lan. Vì thế mà nguồn nước ở đây đều được “phân phối” như thời bao cấp nên nhu cầu chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ của người dân.



Ngay cả khi có nguồn nước tại chỗ cũng khó lòng đưa  đến tận tay người dân, như dự án nhà máy nước xử lý nước lợ thành nước sạch của cô ca sĩ Nguyễn Thụy Đông Đào vừa đưa vào hoạt động là một ví dụ. Hưởng ứng chương trình xã hội hóa cấp nước, nhà máy xử lý nước nói trên được kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào lượng nước thiếu hụt tại huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, do độ mặn biến động liên tục ngày một cao nên công suất 5.000m3/ngđ của nhà máy cũng bị ảnh hưởng. Nhưng nguyên nhân chính là những trắc trở trong vận chuyển phân phối nước khiến người dân huyện Cần Giờ vẫn luôn trong tình trạng thiếu nước.



Ông Đoàn Văn Sơn – Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, mỗi ngày người dân huyện này cần 6.000m3 nước cho nhu cầu sinh hoạt, khoảng 1,8 triệu m3 mỗi năm. Chi phí hỗ trợ cho vận chuyển nước mỗi năm khoảng 30 tỷ đồng. Một khoản chi phí khá lớn thế nhưng điều nghịch lý là người dân vẫn phải mua nước trong tình cảnh giá cao.




Hơn gần 10.000 tỷ đồng, dân có đủ nước xài?




Theo TCty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hiện hơn 3.000km hệ thống mạng đường ống cấp 2, 3 cung cấp nước sạch cho TP đều đã quá cũ, một số đường ống đã đến lúc phải thay thế. Trong số này đường ống có tuổi thọ dưới 20 năm là 61%, từ 20 – 30 năm 10%, trên 30 năm 29%. Hệ thống cấp nước cũ được sử dụng lâu năm là nguyên nhân dẫn đến chất lượng nước sạch ở TP.HCM chưa đảm bảo. Trong khi đó, hiện tất cả nhà máy nước tại TP mặc dù hoạt động hết công suất nhưng tổng lượng nước phát ra cũng chỉ đạt 1,25 triệu m3/ngày. Nếu so với khả năng vận hành của mạng lưới đường ống hiện có thì TP đang thiếu ít nhất 300 nghìn m3/ngày.



Cũng theo Sawaco, lẽ ra sẽ không thiếu nước trầm trọng đến vậy nếu như dự án nhà máy nước BOO Thủ Đức không chậm trễ phát nước đến 18 tháng như kế hoạch. Với công suất 300 nghìn m3/ngđ sẽ đáp ứng nhu cầu cho người dân Q.7 và huyện Nhà Bè. Nếu không có gì thay đổi thì có thể đến tháng 4 tới nhà máy này mới có thể phát nước giai đoạn 1, công suất 100 nghìn m3/ngđ, thì cũng chỉ ở khu vực Q.2. Còn nơi mà người dân đang khổ sở nhất (Q.7, Nhà Bè) thì phải đến tháng 6 mới có nước, do phải thi công đường ống qua sông Sài Gòn. Tuy nhiên nhiều người nghi ngờ khả năng trên, bởi thi công đường ống ngầm qua sông Sài Gòn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do tầng địa chất phức tạp, bản thân nhà thầu cũ cũng đang mắc kẹt con rôbốt dưới lòng sông Sài Gòn. Gói thầu số 7 Nhiêu Lộc – Thị Nghè cũng đã từng bị sự cố tương tự và đến bây giờ vẫn chưa tìm được giải pháp nào khả thi hơn để thi công qua khúc sông này. Như vậy thời gian chỉ còn hơn 3 tháng để hoàn thành đường ống băng qua sông Sài Gòn là điều khó tưởng tượng.



Theo kế hoạch của Sawaco, phương án phát triển nguồn nước và mạng cấp nước đến năm 2010 là 9.951 tỷ đồng. Trong đó tổng số vốn đầu tư cho các dự án phát triển nguồn nước là 3.788 tỷ đồng, bao gồm: xây dựng nhà máy nước BOO Thủ Đức 1.547 tỷ đồng, nhà máy nước kênh Đông 955 tỷ đồng, nhà máy nước Thủ Đức (giai đoạn 3) 1.000 tỷ đồng, nhà máy nước ngầm Bình Hưng 110 tỷ đồng, nâng công suất nhà máy nước Tân Bình 50 tỷ đồng, chương trình cấp nước nông thôn 126 tỷ đồng. Riêng đối với việc đầu tư phát triển mạng lưới ống cấp nước giai đoạn này dự kiến cũng lên tới 6.163 tỷ đồng bao gồm lắp đặt hệ thống cấp 1, cấp 2 và lắp đặt đồng hồ nước cho dân.



Tuy nhiên, những con số trong báo cáo kế hoạch và phần công việc thực tế có một khoảng cách rất lớn. Đặc biệt là những dự án trị giá hàng nghìn tỷ đồng như nhà máy nước BOO Thủ Đức?!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *