|
Từ ngày 9/4, Hà Nội áp dụng quy định mới (theo Quyết định 58 của UBND TP Hà Nội) về hạn mức giao đất ở mới, hạn mức công nhận đất ở đối với thửa đất có vườn, ao trong khu dân cư, kích thước diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn…
Tuy nhiên, điều khiến dư luận Thủ đô quan tâm vẫn là quy định không cấp sổ đỏ cho thửa đất dưới 30m2, liệu có xảy ra tình trạng mua bán đất trao tay dẫn đến những tranh chấp khó giải quyết? Ngay khi quy định mới này chưa có hiệu lực, ở Hà Nội đã có rất nhiều thửa đất 30m2 nhưng lại có đồng sở hữu (nhiều chủ sở hữu).
Không kiểm soát được việc mua bán đất trao tay
Khi mua mảnh đất có diện tích sử dụng 23m2 ở xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, anh Nguyễn Văn Mạnh chưa lường trước được việc diện tích nhỏ như vậy sẽ gây ra những rắc rối về sau khi làm sổ đỏ. Tuy chỉ có 23m2 nhưng anh đã mua lại của 2 chủ đất.
Biết Quyết định 58 của UBND TP Hà Nội, anh Mạnh tỏ ra lo lắng bởi với thửa đất của mình, anh không thể làm được sổ đỏ bởi giấy tờ nhà đất chỉ là mua bán trao tay. Nhưng với đồng lương công chức, vợ chồng anh cố gắng lắm cũng chỉ mua được mảnh đất với diện tích nhỏ như vậy để ở, thoát cảnh thuê nhà triền miên.
Theo ông Vũ Văn Dụ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ba Đình thì thỉnh thoảng vẫn có người dân đến hỏi thủ tục chia tách thửa đất với diện tích dưới 30m2. Nhưng khi biết không chia tách được thì họ thôi.
Từ khi có Quyết định 58, hầu hết người dân ở Hà Nội (cũ) đều biết quy định này, tuy nhiên những địa phương mới sáp nhập vào Hà Nội thì chưa nắm được. Do đó, cả năm 2008 tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội (Sở Tài Nguyên và Môi trường) tiếp nhận hơn 1 vạn hồ sơ xin sang tên, chuyển nhượng, tách thửa, nhưng chỉ có trên 10 trường hợp đề nghị chia tách thửa đất dưới 30m2. Nhưng theo ông Ngô Trọng Khang, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội thì tất cả các trường hợp dưới 30m2, Văn phòng đều từ chối.
Theo phân cấp thì cấp quận, huyện sẽ làm thủ tục tách thửa, chuyển nhượng… theo quy định về hạn mức mới, đặc biệt là ở những khu vực mới sáp nhập về Hà Nội. Theo ông Dụ, với những hộ có thửa đất dưới 30m2 nhưng đã sử dụng ổn định lâu dài thì vẫn được cấp sổ đỏ.
Tuy nhiên, có một thực tế là việc mua bán trao tay với những thửa đất dưới 30m2 vẫn diễn ra. Theo ông Dụ thì việc mua bán trao tay với những thửa đất dưới 30m2 không thể quản lý được. Việc này phải do cấp phường, đặc biệt là Công an phường quản lý về nhân, hộ khẩu theo dõi, bám sát mới phát hiện được.
Xuất hiện nhiều thửa đất có đồng sở hữu
Theo quy định mới, thửa đất được hình thành từ việc tách thửa, thửa đất còn lại sau khi tách phải đảm bảo có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ ba mét trở lên; thửa đất phải có diện tích không nhỏ hơn 30m2… Kể từ khi có quy định này, tại Hà Nội đã xuất hiện rất nhiều thửa đất với diện tích từ 30m2 trở lên có đồng sở hữu, chuyện trước đây rất hiếm. Từ năm 2008 đến nay, có nhiều hồ sơ là đồng sở hữu quyền sử dụng đất đến Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội xin chuyển quyền sử dụng đất. Có gia đình gồm 4 hộ đang sử dụng 1 mảnh đất 30m2, nếu chia tách ra thì không đủ diện tích theo quy định, họ đến xin cấp sổ đỏ đồng sở hữu.
Theo ông Dụ, căn cứ vào thực tế, sẽ cấp sổ đỏ cho đồng sở hữu trên diện tích đó. Nhưng khi bán, phải có mặt đầy đủ mọi người đứng tên trong sổ đỏ vì ai cũng có quyền lợi như nhau. Theo quy định mới thì trong trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu để hợp với thửa đất ở khác liền kề tạo thành thửa đất mới có kích thước, diện tích bằng hoặc lớn hơn mức diện tích tối thiểu thì được phép tách và được cấp sổ đỏ cho thửa đất mới.
Với quy định mới này, TP Hà Nội trong tương lai sẽ bớt những ngôi nhà siêu mỏng, việc quy hoạch Thủ đô sẽ không gặp cảnh vụn vặt, chắp vá. Tuy nhiên, để ngăn chặn hiện tượng sang tên, đổi chủ qua mua bán trao tay cần phải được chính quyền địa phương vào cuộc sát sao, tránh tạo ra lỗ hổng trong quản lý
Theo CAND