Chuyến xe đêm cao cấp…?


Đêm 27 tháng 3 năm 2009, chúng tôi có mặt ở bến xe Mỹ Đình trước giờ khởi hành 15 phút để đi chuyến xe Hà Nội – Lai Châu (xe xuất phát 18h30). Khác hẳn với khi đến đăng ký vé (15h cùng ngày), chủ xe tỏ ra rất lịch sự, niềm nở, ân cần. Nhìn chiếc xe ô tô tốc hành chất lượng cao như “khách sạn 5 sao” lừng lững sơn mầu đỏ, trắng bóng loáng, nội thất xe sang trọng, với những hàng ghế đệm bọc vải trắng muốt, chạy dài tới tận cuối xe đã gây ấn tượng cho chúng tôi ngay từ những giây phút đầu. Giờ đây cũng chiếc xe đó, cũng ông chủ xe đó nhưng đã mất đi hoàn toàn hình ảnh đẹp đẽ mà chúng tôi hy vọng sẽ được toại nguyện trong suốt cuộc hành trình dài.


Sự thất vọng đến từlúc trời bắt đầu đổ mưa tầm tã, cơn mưa trái mùa đã gây bất ngờ cho nhiều hành khách không chuẩn bị áo mưa. Trên xe đã lố nhô, đông người. Do đầu máy hỏng phải sửa chữa, trong xe không có ánh đèn, tối om. Chúng tôi vừa bước lên định tìm số ghế ngồi, bất ngờ một tiếng quát “cởi giầy ra”. Tôi ngoảnh lại, dù tranh tối, tranh sáng cũng nhận ra ngay người quát là cái anh nhà xe mà trước đây còn vui vẻ, lịch sự tiếp chúng tôi đến đăng ký vé đi. Giờ thì tôi đã hiểu. Hành khách vào trong xe phải cởi giầy cho vào túi ni lông xách theo người, kiểu như ta vào quán thịt cầy Anh Tú – Tú râu Nhật Tân, cũng cởi bỏ giầy dép để mang theo (nhà hàng sợ thượng đế khi ra về phải đi chân đất). Còn ở đây chủ xe lại có quy định ngược lại chẳng giống ai. Không phải bảo vệ giầy dép cho khách hàng mà lại bảo vệ cái sàn… xe. Lúc này hành khách lên xe mỗi lúc một đông, ngoài trời mưa vẫn nặng hạt, trong xe đã bắt đầu có những lời to tiếng vì chỗ ngồi. Ngay cạnh tôi, đôi vợ chồng trẻ mua vé liền nhau nhưng bị một thanh niên đến sau đòi chỗ (do trùng số ghế ). Người đến sau kiên quyết yêu cầu người đến trước trả lại chỗ ngồi vì đúng số vé. Thế là anh chồng hiền lành bất đắc dĩ phải đứng lên trả chỗ cho vị khách ngỗ ngược, để vợ ngồi một mình rồi đi tìm chủ xe khiếu nại. Trong xe vẫn tối om, thi thoảng lại lóe sáng từ chiếc bật lửa ga của ai đó tìm số ghế. Không khí ngột ngạt bởi lời qua tiếng lại do tranh giành ghế ngồi, sự lộn xộn, nhếch nhác chẳng khác nào một chiếc xe khách chợ. Đầu máy sửa xong, đèn bật sáng, lúc này nhà xe mới xuất hiện.


 


Chủ xe là một thanh niên còn rất trẻ khoảng 25 – 26 tuổi. Cứ tạm gọi là chủ xe vì anh ta giải quyết tất tật công đoạn trên chuyến xe này. Anh đứng giữa vòng người là khách đi xe khiếu nại trường hợp có vé nhưng không ghế ngồi. Với kinh nghiệm nghề nghiệp, mọi việc cũng được anh thu xếp ổn thỏa nghĩa là khoảng hơn 10 vị khách tạm ngồi dưới sàn xe, trong khi tiếng động cơ ô tô đang khởi động chuẩn bị rời bến. Máy vẫn nổ, còn xe không nhúc nhích. Hành khách đã bắt đầu sốt ruột vì xe đã chậm theo quy định tới hơn một giờ. Đâu đó có tiếng giục: -“Đi thôi! Đi thôi! Quá giờ rồi…



Cuối cùng thì cái “khách sạn 5 sao di động” này cũng chuyển mình rời bến. Đi được vài trăm mét, xe lại dừng cho một tốp khách lên. Cũng cần nói thêm, đây là chiếc xe khách với biển hiệu rất oách “Xe khách cao cấp Khánh Thủy mang biển số 25K 0972”. Theo nguồn tin, chiếc xe ô tô này giá rất đắt, khoảng hơn 2 tỷ, do một doanh nghiệp tư nhân Lai Châu kinh doanh có vài chiếc chạy tuyến Lai Châu – Hà Nội. Quay trở lại câu chuyện “ông 5 sao” bắt khách dọc đường, nó cũng chẳng khác gì chiếc xe khách “chợ” mà ta thường gặp ở các bến xe “cóc”, xe “dù”. Ngoại trừ những người ngồi trên ghế, còn lại dưới sàn xe có khoảng 15 người, với tư thế ngồi bó gối theo kiểu úp thìa chen chúc. Chiếc xe vẫn tăng tốc xé màn đêm trên con đường dài, còn nhà xe cũng không cần biết các thượng đế đang phải chịu đựng cảnh “màn trời chiếu đất” ra sao?. Có một điều rất khó lý giải. Cứ hình dung với diện tích trên xe như vậy và số hành khách đi xe dư thừa, chen chúc nhau, chỗ đâu mà đứng chứ đừng nói chuyện ngồi, thế mà khi cánh cửa xe sập lại, bánh lăn trên đường chúng ta có cảm giác người như bị ngót lại và những ấm ức, thắc mắc, bực dọc đều bị quên lãng. Thế mới biết người Việt mình dễ chấp nhận mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, cho dù biết mình bị đối xử bất công bởi cùng số tiền, người ngồi ghế đệm, người bó gối dưới sàn mà vẫn nén chịu.


 


Quan sát cảnh tượng này, tôi cảm thấy thương cho những thượng đế trông thật tội nghiệp, người nghẹo đầu vào thành ghế, người gục lên vai người ngồi trước ngủ gà ngủ gật. Quay xuống cuối xe, tôi nháy anh bạn đồng nghiệp ngồi hàng ghế dưới, liên tiếp nháy 3 pô ảnh làm tư liệu. Ngồi cạnh tôi dưới sàn xe là một thanh niên còn rất trẻ, bảnh trai, thoạt đầu tôi cứ ngỡ anh là sinh viên nhưng qua câu chuyện mới biết hiện anh là kỹ sư cầu đường bên quân đội, đã công tác trên vùng cao biên giới từ năm 2004, hiện đơn vị anh đang thi công con đường bê tông vòng quanh biên giới Tổ quốc. Do gia đình ở Hà Nội nên anh thường xuyên đi lại trên tuyến đường này. Biết chúng tôi là nhà báo, anh tâm sự: Khổ lắm anh ạ mang tiếng là xe chất lượng cao, xe cao cấp, xe tốc hành… nhưng hành khách đi xe chẳng khác nào con vật. Vừa nói anh vừa ra hiệu cho tôi. Anh cứ nhìn số người ngồi trên sàn này mà xem, chỉ vài giờ nữa là họ chui hết vào gầm ghế, người xoay ngang, xoay dọc rồi gác chân lên cổ, lên bụng nhau mà ngủ, mà xả cơn mệt nhọc. Còn nhà xe, họ đã quá quen với cảnh “cá hộp” này rồi, càng nhồi nhét khách được bao nhiêu, họ càng dầy túi vì chủ xe đã khoán gọn chuyến.


 


Đến huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, xe dừng cho hành khách ăn tối, và “xả nỗi buồn!”. Quả thực tôi đã phải cố nhịn hơn 6 giờ đồng hồ ngồi trên xe và đây là “giây phút hạnh phúc nhất trong đời”, chỉ cần đi quá vài cây số nữa thì không biết điều gì sẽ xảy ra… Mang tiếng là bữa tối dọc đường và nhà xe đã khấu trừ tiền vào vé nhưng thực chất mỗi suất một tô phở nước trong veo, nhạt nhẽo “chạy qua hàng thịt, hoặc bát cháo thịt tùy khách chọn. Chừng 30 phút sau xe lại khởi hành trên chặng đường còn lại. Dọc đường phải qua nhiều trạm kiểm soát giao thông nhưng rất lạ là chiếc ô tô “cao cấp 5 sao” vẫn vô tư qua mặt, chưa lần nào bị ách lại để kiểm tra. Tôi xem đồng hồ, đã gần 2 giờ sáng, có nghĩa là đã bước sang ngày 28/3, chỉ vài giờ nữa là chúng tôi có mặt ở thị xã Lai Châu và đêm nay sẽ được dự đêm khai mạc Ngày hội văn hóa thể thao, du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 11 tại đây.


 


Đường càng lên cao, càng khó đi, phải vượt qua nhiều đèo dốc. Ngoài trời vẫn mưa, đường trơn, trời tối, chiếc xe ì ạch qua từng khúc cua, nhiều đoạn cua tay áo làm chiếc ô tô vừa to, vừa dài nghiêng hẳn sang một bên, cảm giác người như sắp đổ. Quả thật ngồi trên xe lúc này trong người tôi luôn có cảm giác bất an, mỗi khi nghĩ chiếc xe khách đã chở quá tải đến gần một tấn và điều gì có thể xảy ra. Hành khách nhiều người bắt đầu say xe, không chịu nổi, đâu đó có những tiếng nôn ọe. Đã thế tiếng nhạc disco từ mấy chiếc loa trên xe vẫn thình thịch chát chúa như giã giò liên tục. Giọng một bà già ngồi hàng ghế dưới vọng lên: “Bác tài ơi! Vặn nhỏ chứ không chúng em nôn hết ra xe đây này”. Thay bằng tắt máy hay vặn nhỏ âm thanh, anh phụ xe nói như quát: “Nhạc to cho tài xế khỏi buồn ngủ! Muốn xe lao xuống vực hả?”.


 


Có một chuyện mà sau khi về Hà Nội tôi kể cho gia đình nghe ai cũng phải buồn cười và cho là “chuyện hay nhất trong năm”.


 


Số là thế này. Tôi đang thiu thiu ngủ vì đã thấm mệt, bất ngờ có hai bàn tay ai đó nắm lấy cổ chân tôi rồi từ từ di chuyển sang hẳn một bên. Đầu tiên tôi cứ ngỡ mình đang trong mơ và mở mắt nhìn xuống dưới ghế, thấy ngay đôi mắt ai đó thao láo nhìn tôi, tóc thì xõa rũ rượi. Tôi cảm thấy hơi rờn rợn. Trong tích tắc cái đầu vô hồn ấy chuyển động, quay đi chỗ khác rồi lại ngáy đều đều.


 


Thị xã Lai Châu đã òa ra trước mắt chúng tôi với cờ, băng zôn, khẩu hiệu nhiều mầu rực rỡ. Trời chưa sáng rõ mặt người. Xa xa màn sương còn bao phủ trên dãy núi lúc ẩn, lúc hiện như bức tranh thủy mạc. Lúc này chúng tôi đã quên hết mọi chuyện trên chuyến xe đêm vừa trải qua, đang háo hức chuẩn bị chờ đón Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 11 tại thị xã Lai Châu sắp diễn ra.



Duy Ngọc (ghi chép)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *