Khó khăn lớn nhất là công nghệ và kinh phí


Sáng 16/4, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức phiên giao lưu trực tuyến về chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Ngay trong buổi sáng, hàng trăm câu hỏi đã được người dân gửi đến.


 


Bộ trưởng Bộ TN&MT – Phạm Khôi Nguyên cho biết: Đã có hơn 300 câu hỏi gửi về địa chỉ của cuộc giao lưu trực tuyến. Người dân chủ yếu thắc mắc về chế độ chính sách, mức độ hỗ trợ, những trường hợp chưa được duyệt thủ tục công nhận nạn nhân, hướng giải quyết các điểm nóng nhiễm chất độc hóa học, tiến trình vụ kiện hậu quả chất độc da cam… Các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài đã xác định được 3 vùng bị nhiễm chất độc hóa học nặng nhất là: sân bay Biên Hòa, sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát. Đó là chưa kể các vùng bị phun rải chất độc hóa học trong chiến tranh đang có nguy cơ phát tán ra môi trường xung quanh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.



Bộ trưởng có thể cho biết định hướng để giải quyết các điểm nóng và việc xử lý tình trạng ô nhiễm?



– Những năm qua, Chính phủ đã thực hiện nhiểu biện pháp và cung cấp tài chính để ngăn chặn sự lan tỏa của dioxin ra môi trường và tác động đến sức khỏe người dân. Chính phủ đã chi khoảng 5 triệu USD để xây dựng bãi chôn lấp cô lập đất bị nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa. Tại điểm chính của sân bay Biên Hòa, hầu hết đất bị nhiễm dioxin đang được Bộ Quốc phòng khu trú bàng bê tông có kiểm soát. Đồng thời tiến hành thử nghiệm công nghệ sinh hóa xử lý triệt để.



Tại sân bay Đà Nẵng, mặc dù chưa xử lý triệt để khu vực bị ô nhiễm dioxin, song đã tiến hành các công việc phân loại, khoanh vùng khu nhiễm độc, xây dựng các hạng mục công trình tạm thời ngăn chặn sự lan tỏa dioxin ra môi trường. Sắp tới, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ giải ngân 2 triệu USD để giải quyết vấn đề môi trường tại sân bay này. Nhóm các chuyên gia Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất về nội dung, kế hoạch xử lý đất nhiễm dioxin và đang trình Chính phủ 2 nước phê duyệt.



– Vậy trong quá trình xử lý có gặp khó khăn gì không, thưa Bộ trưởng?



– Khó khăn lớn nhất trong việc xử lý ô nhiễm tại các điểm nóng nhiễm dioxin là công nghệ và kinh phí. Hiện nay, chưa có công nghệ nào có thể xử lý triệt để ô nhiễm dioxin. Nhiều nước trên thế giới vẫn đang nghiên cứu về công nghệ. Ở Việt Nam có lẽ phải áp dụng cả ba phương pháp xử lý bằng vật lý học, hóa học và sinh học. Trong khi đó, kinh phí xử lý ô nhiễm dạng này rất tốn kém, giá thành cho xử lý 1 m3 đất bị nhiễm dioxin lên tới 500 USD. Để xử lý ô nhiễm ở Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát kinh phí tạm tính lên tới gần 60 triệu USD.



– Thưa ông, bao giờ những người dân thường bị nhiễm chất độc da cam được hưởng những chế độ ưu đãi?



– Phần việc này là của Bộ LĐ-TB&XH, nhưng tôi xin trả lời mấy ý chính sau. Thứ nhất, sở dĩ những người tham gia kháng chiến được hưởng chế độ ưu đãi là vì họ là những người có công với cách mạng và dân tộc, đồng thời quá trình chiến đấu tại chiến trường bị rải chất độc hóa học cũng giúp dễ xác định việc bị nhiễm dioxin hơn. Tiếp đến, hiện giờ những tiêu chí xác định đối với trường hợp này đã rõ ràng. Ngoài ra, việc tập trung làm cho những người có công trong thời gian qua còn có lợi cho vụ kiện hậu quả CĐDC trong chiến tranh.



Hiện nay, người dân thường chưa được hưởng những chế độ ưu đãi như những người có công nhưng không có nghĩa là Nhà nước và nhân dân Việt Nam bỏ qua họ. Thời gian qua, những người dân thường cũng đã được hưởng một số chính sách an sinh xã hội. Nhà nước đã bỏ ra một phần kinh tế để trợ giúp người dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Sắp tới, sau khi Bộ Y tế làm xong các tiêu chí xác định bị nhiễm dioxin đối với dân thường, sẽ có đợt khám cho người dân để áp vào. Chắc chắn làm cho người dân bị nhiễm dioxin sẽ phải tốn kém thời gian và kinh phí nhiều hơn vì số lượng người bị nhiễm rất đông.



Thưa ông, mới đây Tòa án tối cao Mỹ đã bác đơn của nạn nhân chất độc dioxin. Vậy vụ kiện sẽ tiếp tục theo hướng nào?



– Vụ kiện hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh ở Việt Nam vẫn đang diễn tiến phức tạp. Việc Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đứng ra khởi kiện 37 công ty sản xuất hóa chất của Mỹ đã sản xuất các chất hóa học phát quang cây cối có chứa chất độc da cam được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là vấn đề nhân quyền. Vụ kiện đã qua tòa sơ thẩm Tòa án liên bang tại quận Brooklyn, tòa phúc thẩm ở Tòa kháng án liên bang khu vực 2 ở New York. Ngày 2/3 vừa rồi, Tòa án tối cao Hoa Kỳ bác đơn thỉnh cầu của nguyên đơn Việt Nam mà không đưa ra lý do.


Thực tế đây là một vụ kiện khó, vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện các công ty Mỹ trên đất Mỹ theo luật pháp của nước Mỹ. Nhưng chắc chắn rằng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam không bao giờ bỏ kiện. Nếu đời chúng ta chưa làm được thì đến đời con cháu chúng ta phải làm tiếp…



Xin cảm ơn ông!


 



N.C (tổng hợp)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *