TT – Mô hình kiến trúc sư trưởng là vấn đề thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu QH từ kỳ họp trước, và đến phiên thảo luận chiều 30-5 về Luật quy hoạch đô thị vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trao đổi với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và bà Phạm Phương Thảo – chủ tịch HĐND TP.HCM, về quy hoạch đô thị bên hành lang QH chiều 30-5 -Ảnh: N.Triều |
Chưa ngã ngũ
Một số đại biểu nhắc lại mô hình kiến trúc sư trưởng thí điểm không hiệu quả ở TP.HCM và Hà Nội trước đây và đề nghị nếu thành lập thì phải định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của kiến trúc sư trưởng ngay trong luật chứ không đợi Chính phủ quy định. “Chính phủ sẽ quy định thiết chế kiến trúc sư trưởng theo mô hình nào, kiến trúc sư trưởng có chức năng tư vấn, phản biện hay kiến trúc sư trưởng có chức năng tham mưu, quản lý nhà nước? Hay chúng ta lại quy định theo một mô hình mới?”- đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) đặt vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng quản lý đô thị theo quy hoạch là một lĩnh vực rộng, nhất thiết phải có sự phối hợp liên ngành mà chức danh cá nhân với vai trò “siêu sở” không thể thực thi được. Theo đại biểu này, chỉ nên lựa chọn mô hình hội đồng kiến trúc quy hoạch có chức năng tư vấn cho UBND cấp tỉnh, TP về các vấn đề kiến trúc quy hoạch đô thị và được thành lập hoặc giải thể theo quy định của Chính phủ, phù hợp với yêu cầu quản lý và phát triển đô thị của từng địa phương.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến ủng hộ việc thành lập kiến trúc sư trưởng và cho rằng vấn đề quan trọng là phải tìm được người có thực tài và có trách nhiệm với vai trò được giao. Theo bà Phạm Phương Thảo (TP.HCM), Chính phủ sẽ có quy định phù hợp chức danh kiến trúc sư trưởng đối với từng thời kỳ.
Một số vấn đề liên quan như tiêu chí phân loại đô thị, thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch cũng còn nhiều ý kiến chưa đồng ý với dự thảo. Cũng có ý kiến đề nghị luật nên quy định về quản lý không gian ngầm vì sắp tới các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM triển khai xây dựng tàu điện ngầm, nếu không quy định ngay bây giờ đến đó sẽ không quản lý được.
Người khám chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề
Cũng trong ngày làm việc hôm qua, QH đã nghe tờ trình của Chính phủ về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh. Theo dự luật này, tất cả người hành nghề khám chữa bệnh gồm bác sĩ, y sĩ chuyên, đa khoa, y học cổ truyền, kỹ thuật viên y tế, hộ sinh, người có bài thuốc chữa bệnh… đều phải có chứng chỉ hành nghề. Thẩm quyền cấp giấy phép này thuộc bộ trưởng Bộ Y tế và sở y tế, có sự tham gia của hội đồng tư vấn (gồm đại diện của hội chuyên ngành, hội luật gia, cơ sở đào tạo y khoa, cơ sở khám chữa bệnh, tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…).
Về bác sĩ tham gia khám chữa tại các bệnh viện tư, Chính phủ cho rằng hiện đời sống của thầy thuốc, nhân viên y tế làm việc trong khu vực nhà nước còn nhiều khó khăn, người dân cũng thật sự có nhu cầu nên sẽ cho phép họ được thành lập, tham gia quản lý điều hành các hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân để tận dụng chất xám, kinh nghiệm và phát huy năng lực chuyên môn của thầy thuốc. Điều này, theo Chính phủ, sẽ giúp y bác sĩ tăng thêm thu nhập, yên tâm công tác, góp phần hạn chế việc dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân.
N.TRIỀU – C.V.KÌNH