Nhiều nhà khoa học, kiến trúc sư cho rằng, thành phố không nên ngồi chờ nhà đầu tư mà phải chủ động hơn nữa trong việc phát triển diện tích công viên cây xanh, vườn hoa cho Hà Nội. Rất đáng buồn khi ở nhiều nước, công viên, vườn hoa, dù to hay nhỏ cũng đẹp như tranh, còn ở quy hoạch Hà Nội dự tính phải đạt 7m2 cây xanh/người nhưng tới nay tỷ lệ này còn quá khiêm tốn, chỉ có 0,9 m2/người. Không những vậy, những diện tích công viên, cây xanh hiện hữu cũng chưa được quản lý, khai thác, sử dụng tốt và chưa thể đáp ứng yêu cầu của người dân.
Quy hoạch không tệ nhưng thực thi quá khó
Bình luận về công tác phát triển, khai thác, sử dụng vườn hoa, công viên ở Hà Nội, GS-TS KH Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nói thẳng “Còn rất yếu kém!”. Không chỉ có chỉ tiêu cây xanh đô thị vào loại thấp nhất thế giới, công tác quản lý những diện tích ít ỏi đó cũng có vấn đề khi để xảy ra nhiều vụ xâm lấn đất công viên, gây bức xúc dư luận thời gian qua như ở Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, Công viên Thủ Lệ…” – ông Nguyễn Thế Bá nói. Minh họa thêm về sự thiếu thốn vườn hoa, công viên, cây xanh ở Hà Nội, PGS.TS Huỳnh Đăng Hy, Tổng thư ký Hội QHPTĐT Việt Nam cung cấp số liệu, theo thống kê của JICA, hiện trạng đất công viên – cây xanh tại 9 quận nội thành (trước khi Hà Nội mở rộng) chỉ đạt bình quân 0,9 m2/đầu người. Riêng quận Đống Đa và huyện Gia Lâm, chỉ có… 0,05 m2/đầu người.
Minh họa thêm về hiện trạng công viên – vườn hoa tại Hà Nội, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội cho biết, mục tiêu quy hoạch cây xanh đô thị Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt năm 1998 là 7m2/đầu người nhưng những gì làm được tới nay còn quá ít. Ông Đào Ngọc Nghiêm dẫn chứng: Chúng ta tự nhận là thành phố xanh nhưng so với London (26,9m2/người) hay New York (29,3m2/người), Moscow (24m2/người)… thì tỷ lệ cây xanh ở Hà Nội còn quá thấp. Không những thiếu, công viên lại phân bố không đều và đặc biệt là chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng đa năng của cộng đồng. Cần suy nghĩ về chỉ tiêu cây xanh, không thể đồng nhất giữa khu vực nội thành và khu vực ngoại thành.
Mặc dù có quy hoạch công viên mới, nhưng hàng loạt công viên như Công viên Đống Đa (37ha), Công viên Cự Khối (Long Biên), Công viên cửa ô Hà Nội… triển khai rất chậm. Một số dự án đã có định hướng như Công viên Công nghệ sinh học (Từ Liêm) đã có định hướng song lại chưa được quy hoạch chi tiết… Các kiến trúc sư đề nghị, thành phố và các quận, huyện cần xác định rõ chủ đầu tư quản lý, phát triển các công viên này cũng như tạo điều kiện cho họ hoạt động có hiệu quả. Ông Đào Ngọc Nghiêm kêu gọi, thành phố cần thường xuyên thanh tra, xử lý vi phạm liên quan tới các dự án công viên – vườn hoa cũng như xây dựng chương trình tổng thể để kêu gọi đầu tư.
Không thể chờdoanh nghiệp
Công viên đang bị nhiều lợi ích khác đè nén, cần có sự quan tâm hơn nữa đến lợi ích chung của cộng đồng. Không gian xanh, công viên là di sản vô giá để lại cho thế hệ mai sau. Để có được một hệ thống công viên, vườn hoa hợp lý nhất, nhiều ý kiến cho rằng, phải chờ tới cuối năm 2009, khi đồ án quy hoạch chung Hà Nội mở rộng được hoàn thành.
PGS.TS Huỳnh Đăng Hy dự báo, Hà Nội muốn đạt tỷ lệ cây xanh công cộng 16m2/người, tức khoảng 4.000 ha vào năm 2020, thì mỗi năm UBND Thành phố và các quận, huyện trực thuộc phải triển khai đầu tư xây dựng mới từ 200-250 ha đất công viên – vườn hoa. Ông Huỳnh Đăng Hy cho rằng, vì công viên không phải là công trình kinh doanh mà chủ yếu phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi – sinh hoạt của người dân nên thành phố không thể chờ các nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước đến để hợp tác cùng xây dựng. “Thành phố phải có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển công viên, không thể ngồi chờ doanh nghiệp. Bởi nhà đầu tư sẽ chỉ chăm chăm xây dựng công trình dịch vụ trong công viên để kinh doanh. Như thế, sẽ làm méo mó hoạt động của công viên, biến công viên thành vườn, hồ thành ao cạnh công trình kinh doanh. Hiện trạng xây dựng Công viên Nam Thành Công, vườn Bách thảo, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô… chính là những ví dụ xấu. Xu hướng này cần được ngăn chặn.” – ông Huỳnh Đăng Hy cảnh báo.
GS-TS KH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lại nêu lên một thực tế đáng buồn khác: Chủ trương, quy hoạch, chính sách… đều nêu quan điểm rất rõ ràng, minh bạch về phát triển vườn hoa, công viên, song khi triển khai không được như ý muốn. Ông Đặng Hùng Võ nói: Không chỉ có quy hoạch không mà được. Chủ trương, pháp luật đều rất mạch lạc nhưng không đi được vào thực tế. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, song trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền cấp cơ sở. Rất nhiều nơi thể hiện năng lực quản lý yếu kém hoặc không làm đúng chức trách của mình.
Song Hà