Trang chủ » Cùng phản biện để phát triển

Cùng phản biện để phát triển

bởi Kien Truc - Kientruc.vn





Nhiều nhà khoa học đang quan tâm đến một quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục lĩnh vực các cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ bắt đầu có hiệu lực từ 15/9/2009. Trong nội dung Quyết định này có Điều 2 nói về phản biện được nhiều người quan tâm nhất: “Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ”.


Trước khi ban hành các chủ trương, chính sách lớn, ngay trong các tổ chức của Đảng và Nhà nước đã có sự phản biện khá kỹ lưỡng. Có những bộ luật mà bản dự thảo phải sửa đổi, bổ sung vài chục lần, trong đó có nhiều cuộc hội thảo cấp quốc gia với sự tham gia của nhiều nhà khoa học danh tiếng của đất nước. Với hàm lượng chất xám và tính trách nhiệm cao như vậy tất yếu sẽ cho ra đời những sản phẩm ít sai sót nhất có thể. Những ý kiến phản biện xã hội là rất cần thiết để góp phần vào việc hoàn thiện những chủ trương, chính sách đó nhưng phải là những ý kiến có hàm lượng khoa học cao, có tinh thần xây dựng. Nếu ngược lại, sự phản biện đó chẳng những không đóng góp cho sự phát triển của đất nước mà còn làm rối ren cho việc điều hành, dễ bị các cá nhân có động cơ xấu lợi dụng. Vì thế, các ý kiến phản biện cần được gửi tới các cơ quan có thẩm quyền…


Tuy nhiên, bản chất khoa học là công khai và quyền của người dân là được hưởng lợi ích từ những phát kiến khoa học đó. Có ý kiến cho rằng cần tôn trọng tính công khai của khoa học phản biện mà điều đầu tiên là phải phân định lĩnh vực phản biện, bởi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có rất nhiều cấp độ từ trung ương đến địa phương, rất nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, giáo dục, chính sách xã hội…, không nhất thiết tất cả phải gói gọn trong một quy định cứng nhắc. Có những cấp độ và lĩnh vực có thể được công bố công khai ngay, có những cấp độ và lĩnh vực không được công bố công khai hoặc có thể công bố công khai sau một thời hạn nhất định nếu “các cơ quan có thẩm quyền” không thực hiện hết trách nhiệm thẩm định của mình. Bên cạnh đó, “các cơ quan thẩm quyền” phải đủ năng lực để thẩm định các giá trị khoa học của các ý kiến phản biện được gửi tới, tức là phản biện lại phản biện. Các cơ quan này thuộc tổ chức Đảng và Nhà nước hoặc được ủy quyền. Việc này sẽ tránh được những sản phẩm phản biện thấp cấp làm vẩn đục môi trường phản biện xã hội vốn rất cần độ trong sạch cao.


Thiết nghĩ nếu làm như vậy, Điều 2 của quyết định trên đây sẽ có tính khả thi cao hơn.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.