Trang chủ » Đầu tư nhà ở xã hội: Doanh nghiệp “né”… có phần do cơ chế

Đầu tư nhà ở xã hội: Doanh nghiệp “né”… có phần do cơ chế












KTĐT – Trong lĩnh vực xây dựng, rất nhiều ưu đãi đã được dành riêng cho các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội. Mặc dù vậy, doanh nghiệp vẫn tiếp tục giữ thái độ thận trọng, thậm chí thờ ơ trong khi nhu cầu đối với loại nhà ở này ngày càng trở nên bức xúc.


Còn thiếu cơ chế



Đánh giá về sự chậm trễ của các dự án nhà ở xã hội, ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, có nguyên nhân từ cơ chế. Nghị quyết về nhà ở xã hội đã được thông qua, song Nghị quyết lại chưa phải là quy phạm pháp luật nên các chủ đầu tư dù có muốn tham gia cũng gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có những hướng dẫn cụ thể. Cần có một hệ thống văn bản chi tiết từ phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tín dụng đến công tác quản lý, xác định đối tượng thụ hưởng, giúp các chủ đầu tư có cơ sở để triển khai các dự án cũng như nhanh chóng tháo gỡ được những vướng mắc. Một vấn đề hóc búa mang tính “bản lề” của thị trường nhà giá rẻ hiện nay là việc tạo quỹ đất. Chính vì vậy, tạo được cơ chế cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với quỹ đất sạch có thể xem là đã giải quyết được một nửa sự ngại ngần của nhà đầu tư đối với nhà ở xã hội.



Theo TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, chính vì còn thiếu nhiều cơ chế, hướng dẫn cụ thể nên ngay cả khi Chính phủ đã phê duyệt nguồn vốn thì việc triển khai nhà ở xã hội trên diện rộng ngay trong năm 2009 này là khó khả thi. Giải pháp nhanh nhất mà hiệu quả nhất đối với nhà ở sinh viên trong điều kiện hiện nay là vẫn phải phát triển nhà trọ trong dân hoặc trong các khu đô thị, chung cư cũ, chung cư tư nhân thông qua việc hợp tác nhà nước và nhân dân. Nhà nước bỏ tiền đầu tư và thu trong một thời gian nhất định, còn dân sẽ là người thu phí, dịch vụ – ông Liêm nói.


Ông Trần Minh Quý, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng cho rằng, những cơ chế về nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn nên được thực hiện giống như nhà ở cho sinh viên, nghĩa là vẫn cần được đầu tư bởi nguồn vốn ngân sách, bởi theo ông, với một cơ chế quản lý khai thác nhà ở xã hội chưa rõ ràng thì khó tạo động lực lôi kéo các doanh nghiệp tham gia thị trường này.



Đa dạng hóa nguồn vốn và đối tượng



Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù Chính phủ và các địa phương đã có một số chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các chương trình nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhưng các nhà đầu tư còn ngần ngại chưa muốn vào cuộc. Lý do là doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay và thủ tục đầu tư lại phức tạp hơn dự án kinh doanh bất động sản thông thường. Trong khi đó, doanh nghiệp bị khống chế giá bán, giá cho thuê và đối tượng thuê, mua… nên rất dễ bị thua lỗ nếu không thể cho thuê hoặc bán hết nhà theo kế hoạch dự kiến.



Các ưu đãi đã có chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này. Không chỉ có khả năng sinh lời thấp, thời gian thu hồi vốn là điều nhiều doanh nghiệp lo ngại. Việc thu hồi vốn từ các dự án nhà ở xã hội ít nhất từ 15 – 20 năm, thậm chí lâu hơn,liệu doanh nghiệp sẽ xoay xở thế nào khi thời gian hỗ trợ vốn của nhà nước kết thúc. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, nhìn chung doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa thể tự tin với các dự án nhà ở xã hội. Cân nhắc với hàng loạt vấn đề phải giải quyết như đền bù giải tỏa, thủ tục đầu tư xây dựng hay những biến động, rủi ro trong thi công, thì mức lãi 10% là không an toàn.



Một số chuyên gia kinh tế đến từ Hà Nội có đồng quan điểm, cần lập các kênh dẫn về vốn dài hạn cho thị trường bất động sản nhà ở thông qua thị trường vốn và các định chế như: Quỹ nhà ở Quốc gia và Quỹ nhà ở thành phố nhằm hạn chế và chia sẻ rủi ro; các Quỹ đầu tư và tín thác bất động sản, Quỹ đầu tư phát triển thành phố, Ngân hàng phát triển nhà… hướng vào nhiệm vụ giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp. Việc thu hút vốn vay ưu đãi và giá rẻ của các định chế tài chính quốc tế cũng được xem là một kênh vốn vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp sử dụng lao động, hộ gia đình có đất và các thành phần khác tham gia vào việc cung ứng sản phẩm nhà ở xã hội thay vì chỉ có một số đối tượng như quy định hiện hành.


 



Hạnh Nguyên

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.