Trang chủ » Để nước sạch đến từng hộ gia đình

Để nước sạch đến từng hộ gia đình

bởi Kien Truc - Kientruc.vn

Bộ Xây dựng vừa có Tờ trình số 107/Ttr-BXD ngày 30/11 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia chống thất thoát thất thu nước sạch đến năm 2025.

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch bình quân tại các đô thị Việt Nam khoảng 30%, cao hơn nhiều so với các nước tiên tiến và kể cả một số nước khác trong khu vực. Đây là một sự lãng phí lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội, môi trường và hiện đang gây nhiều bức xúc trong xã hội. Chính vì vậy, hoạt động chống thất thoát thất thu nước sạch cần được quan tâm và tập trung các nguồn lực nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững lĩnh vực cấp nước. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã xây dựng Chương trình Quốc gia chống thất thoát thất thu nước sạch đến năm 2025.

Thống kê cho thấy toàn quốc hiện có 754 đô thị nhưng chỉ có trên 440 đô thị có hệ thống cấp nước tập trung (còn khoảng 300 thị trấn – đô thị loại V chưa có hệ thống cấp nước tập trung) với tổng công suất thiết kế khoảng 5,9 triệu m3/ngđ, trong đó công suất khai thác khoảng 4,5 triệu m3/ngđ, chiếm 77% công suất thiết kế. Tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước đô thị đạt khoảng 73%, mức tiêu thụ nước bình quân 90 l/người/ngày. Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch bình quân toàn quốc khoảng 30%. Nguyên nhân gây thất thoát thất thu nước do ý thức, do quản lý, do kỹ thuật…

Mặc dù hàng năm Chính phủ phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho phát triển hệ thống cấp nước, tuy nhiên đến nay cũng chỉ đáp ứng khoảng trên 70% nhu cầu thực tế. Việc thực hiện chương trình chống thất thoát thất thu hiệu quả sẽ góp phần giảm đáng kể lãng phí xã hội, giảm phần đầu tư xây dựng mới hệ thống cấp nước, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước. Vì vậy, Bộ Xây dựng xác định mục tiêu của Chương trình là huy động và tập trung các nguồn lực cho hoạt động chống thất thoát thất thu nước sạch, giảm tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch bình quân từ 30% năm 2009 xuống dưới 15% đến năm  2025 và cụ thể theo từng giai đoạn phát triển: Đến năm 2015 tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch bình quân giảm thêm 5% so với năm  2010. Đến năm 2020 tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch bình quân giảm thêm 7% so với năm  2015. Đến năm 2025 tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch bình quân giảm thêm 3% so với năm  2020.

Theo Bộ Xây dựng, để đạt được mục tiêu trên, cần phải nỗ lực nâng cao các hoạt động chính của Chương trình là: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; nâng cao năng lực chính quyền địa phương; nâng cao năng lực quản lý cho đơn vị cấp nước; xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về chống thất thoát thất thu nước…

Bộ Xây dựng cho biết, kinh phí thực hiện Chương trình gồm: Tập trung nguồn vốn ngân sách, ODA, tín dụng ưu đãi của Nhà nước và các nguồn vốn khác cho các dự án chống thất thoát thất thu nước sạch, trong đó ưu tiên các đô thị lớn, các đơn vị cấp nước có tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch nhiều. Cơ cấu bố trí nguồn kinh phí bao gồm: Các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách, ODA không hoàn lại; Các hoạt động nâng cao năng lực đơn vị cấp nước và chính quyền địa phương sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách, ODA không hoàn lại và từ nguồn vốn của các đơn vị cấp nước; Các hoạt động đầu tư cải tạo mạng đường ống, thay thế đồng hồ, mua sắm trang thiết bị… sử dụng từ vốn vay ODA, vay thương mại, tín dụng ưu đãi của Nhà nước, nguồn vốn của các đơn vị cấp nước và các nguồn vốn khác dưới các hình thức đầu tư BT, BOT, BOO…

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, hoạt động chống thất thoát thất thu nước sạch đem lại những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế – xã hội và môi trường. Cụ thể là: Tiết kiệm nước sạch đồng nghĩa với việc giảm bớt nhu cầu đầu tư xây dựng các nhà máy nước mới, tiết kiệm chi phí khai thác, quản lý và vận hành nhà máy, mạng lưới phân phối, giảm giá thành nước sạch. Theo mục tiêu của chương trình đến năm 2025 lượng nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,3 triệu m3/ngđ. Với suất đầu tư riêng nhà máy nước (không tính phần mạng) khoảng 7 triệu đồng/m3 thì kinh phí đầu tư để có thêm 1,3 triệu m3 nước sạch/ngđ cần khoảng 9.100 tỷ đồng. Nếu đạt được tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch bình quân giảm 5%, 7% và 3% theo mục tiêu của chương trình, thì số lượng tiền nước thu thêm được đến năm  2015 đạt 2.300 tỷ đồng; đến năm 2020 đạt 6.320 tỷ đồng, đến năm 2025 đạt 8.370 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 16.730 tỷ đồng (tính với giá nước bình quân của các Cty cấp nước hiện nay là 3.500 đ/m3). Chống thất thoát thất thu nước sạch giúp các đơn vị cấp nước hiểu rõ nhu cầu tiêu thụ nước thực sự của từng khu vực để có các phương án đầu tư hiệu quả nguồn cấp, tối ưu hoá mạng lưới phân phối nước; giảm giá thành nước sạch, đảm bảo sự công bằng và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, giảm chi phí sản xuất các mặt hàng của xã hội nâng cao tuổi thọ của đường giao thông đặt ống cấp nước và các công trình xây dựng khác; giữ ổn định chất lượng nước sạch cũng như chất lượng dịch vụ cấp nước cho các đô thị.

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2006 – All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.