Trang chủ » Vàng và chuyện hóa giải “tâm lý đám đông”

Vàng và chuyện hóa giải “tâm lý đám đông”

bởi Kien Truc - Kientruc.vn

1 Vàng!

Đó là từ được bàn tán và đem lại nhiều “hỉ, nộ, ái, ố” nhất trong hơn tháng qua trên khắp cả nước. Vàng làm nhiều kẻ cười người khóc; làm đau đầu các nhà quản lý, làm nóng các nghị trường.

“Cơn sốt vàng” lần này là biểu thị rõ nhất “tâm lý đám đông” của người Việt và sự lúng túng trong việc hóa giải của cơ quan quản lý.

Đợt tăng giá vàng vừa qua, nhất là những ngày đầu tháng 11, nằm trong thời điểm nền kinh tế khá ổn định. Như vậy, áp lực của những chỉ số kinh tế vĩ mô đã không buộc người dân phải tìm đến vàng như là thứ hàng hóa để bảo tồn giá trị đồng tiền. Vậy mà vẫn xảy ra hiện tượng mua tranh bán đắt bởi lúc thị trường đỉnh điểm.

Ai cũng biết, từ lâu, thị trường vàng trong nước đã liên thông với giá vàng thế giới, thế nhưng việc giá vàng trong nước luôn vượt giá vàng thế giới từ 1 triệu rồi đến 5 triệu đồng, đã cho thấy bên cạnh việc đầu cơ, đã có sự “tiếp tay” của “tâm lý đám đông”.

2 Liên tiếp trong nhiều năm, Việt Nam đã xảy ra nhiều cơn sốt giá. Chuyện xếp hàng đăng ký mua nhà khi còn nằm trên giấy với kỳ vọng sẽ bán lại với giá cao hơn nhiều, là nhân tố đẩy giá nhà đất vào cơn sốt triền miên. Rồi chuyện người dân ùn ùn đi mua gạo đã đẩy giá gạo lên cao gấp mấy lần giá trung bình trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới…

Nếu như cơn sốt nhà đất là do đầu cơ khá rõ nét, còn cơn sốt gạo là do tin đồn thì “sự hoảng loạn” là từ để giải thích cho hiện tượng chen lấn mua vàng lúc giá điểm đỉnh.

Như vậy, “tâm lý đám đông” là một yếu tố chi phối trong các cơn sốt giá, nhất là khi niềm tin vào sự nhanh nhạy trong quản lý giá của các cơ quan có thẩm quyền bị xói mòn thì người dân dễ bị dẫn dắt bởi thông tin truyền miệng, tin đồn thổi. Và chỉ chờ có vậy, chỉ cần một nhóm người có tiềm lực kinh tế làm động tác giảm cung hàng là cơn sốt giá xuất hiện.

Thực tế, đối với một cá nhân, việc giá vàng tăng vài chục phần trăm có lẽ không gây ảnh hưởng gì nhiều, nhưng tâm lý bất ổn khiến rất nhiều người ùa đi mua thứ kim loại quý hiếm này cùng lúc, thì đó lại là hiểm họa cho cả một nền kinh tế.

3 Việc hóa giải “tâm lý đám đông” không quá khó, nếu có sự can thiệp nhanh chóng và kịp thời từ các cơ quan quản lý nhà nước. trong cơn sốt gạo năm 2008, chỉ cần Chính phủ yêu cầu các TCty lương thực mở kho đưa gạo dự trữ ra bán đúng giá như trước khi cơn sốt xảy ra, thì chỉ trong vài ngày, giá gạo bình ổn trở lại. Còn khi giá vàng leo lên đỉnh điểm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố cho nhập khẩu vàng không hạn chế (dù chỉ là “đòn gió”), quả bóng giá ngay lập tức xì hơi.
Tuy nhiên, những phản ứng ấy của cơ quan quản lý nhà nước thường là quá chậm.

4 trả lời trước Quốc hội sáng 17/11, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định: “Không có cơ quan nào quản lý sàn vàng. Thống đốc không cấp giấy phép cho sàn vàng. Chính phủ đang lập Tổ nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động sàn vàng”.

Còn, tại phiên họp Chính phủ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn phê bình lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước ở khâu quản lý. “Theo luật, Ngân hàng Nhà nước phải thống nhất quản lý kinh doanh vàng nhưng tôi yêu cầu chấn chỉnh hơn một năm nay, bây giờ hỏi đến các đồng chí mới nói văn bản trên đường đi”.

Khi trách nhiệm còn chưa nhận thức rõ, khi văn bản cả năm trời vẫn còn “trên đường đi” thì…
Biết hỏi ai bây giờ?! 

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2006 – All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.