Tiến độ di dời cảng Sài Gòn có thể chậm 1-2 năm, bởi việc xây dựng cầu cảng và cơ sở hạ tầng xung quanh khu vực cảng mới chưa được hoàn thành nên việc di dời đến cảng mới khó có thể kịp tiến độ đã đề ra. Đó là thông tin được Hoàng Văn Nhượng, phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết ngày 12-8, trước thời điểm Quyết định 46/2010/QĐ-TTg của Chính phủ về quy chế tài chính phục vụ cho việc di dời, có hiệu lực ngày 15-8 tới. Ông Nhượng cho biết, đến tháng 9 tới đây 200 mét cầu cảng đầu tiên tại cảng Hiệp phước (nơi mà cảng Sài Gòn sẽ di dời đến) mới được hoàn thành; đến năm 2012, 600 mét tiếp theo mới được xây xong, 1.000 mét còn lại hiện vẫn chưa giải phóng được mặt bằng. “Vì thế, cũng chưa xác định được thời điểm nào sẽ di dời xong”, ông Nhượng cho biết. Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại cảng mới còn đang dang dở, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ di dời đó là vốn. “Đây không chỉ là vấn đề riêng cảng Sài Gòn gặp phải mà các đơn vị sản xuất nằm dọc sông Sài Gòn trong đoạn phải di dời như Nhà máy đóng tàu Ba Son và một số cảng khác đều vướng mắc”, ông Nhượng nói. Để giải quyết những khó khăn này, ngày 24-6 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 46/2010/QĐ- TTg, ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son nhằm giúp các đơn vị này có thêm kinh phí để đẩy nhanh việc di dời. Hiện tại, các hạng mục hạ tầng tại cảng Hiệp phước đang được đẩy nhanh, trong đó việc nạo vét sông Soài Rạp đến độ sâu 9,5 mét là hạng mục được ưu tiên làm trước để đón các loại tàu từ 30.000-50.000 tấn (tàu container 4.000 TEU). Theo quy hoạch di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn của Chính phủ tại Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 12-8-2005, sẽ có 5 đơn vị phải di dời trước năm 2010 là cảng Sài Gòn, Tân Cảng, cảng rau quả, cảng Tân Thuận Đông và Nhà máy đóng tàu Ba Son. |