trong tất cả các biến đổi xen cài tính chất nông thôn – đô thị, nửa nông thôn đô thị thì làng xã vùng ven và người dân nông thôn chịu các tác động trực tiếp và rõ nét nhất.
Tính liên kết cộng đồng giảm Người nông dân khi chuyển thành người đô thị phải chấp nhận một thời kỳ quá độ để chuyển tiếp từ một đối tượng có thu nhập thấp trở thành đối tượng có thu nhập trung bình trong xã hội đô thị – nếu không sẽ trở thành người nghèo đô thị. So với mặt bằng xã hội hiện nay, người nông dân thu nhập thấp bằng 1/3 người dân đô thị và cơ hội để phát triển không thể so sánh là tương đồng với người dân đô thị. Sự chia nhỏ đất ở trong làng xã khi đô thị hóa đang bị đẩy nhanh với tốc độ chia cắt cao. Bán đi một phần đất ở để nâng cao thu nhập khi giá đất tăng là con đường tất yếu của người dân để cải thiện về thu nhập, đời sống. Chúng ta không thể hy vọng một người nông dân sẽ giữ nguyên 500m2 đất ở của ông cha để lại trong khi thu nhập hàng tháng trên mảnh ruộng của mình không đủ cho con ăn học và chữa bệnh. Đất đai là tài sản có giá trị nhất và chia nhỏ đất, bán bớt một phần (chỉ giữ lại 80 – 120m2) là hiện tượng xã hội không thể ngăn chặn, là cách ứng xử giảm bớt sự chênh lệch đời sống đô thị – nông thôn một cách chính đáng nhất. Vì vậy, mật độ dân cư tăng là tất yếu, sự pha trộn dân cư làm giảm đi tính liên kết cộng đồng là tất yếu.
Hỗn tạp về hình thái kiến trúc Dân số tăng nhanh, kéo theo những biến đổi về hình thái kiến trúc. Không gian làng xã như bị nêm chặt hơn. Nếu chúng ta mong muốn một hình thái kiến trúc thống nhất trong làng xã là không tưởng bởi tính đa dạng của nhu cầu do các đối tượng ở quá khác nhau: Người làng xã cũ, người có thu nhập cao do tiền gửi từ nước ngoài về, cán bộ, công nhân, sinh viên thuê, trọ học… trong những lô đất chia nhỏ, chức năng đa dạng sự hỗn tạp về hình thái là tất yếu. phương thức tự xây vẫn buộc tồn tại và việc kiểm soát giấy phép xây dựng, trật tự nghiêm túc dường như bất khả thi. Hạ tầng làng xã theo đó bị quá tải. trước đây chỉ dựa trên giao thông đi bộ, mật độ dân cư từ 150 người/ha nay đã tăng lên khoảng 250 – 300 người/ha với các phương tiện mới như xe máy, ôtô. Chưa kể đến việc phát triển nghề thủ công đi liền sau là các nguy cơ giảm chất lượng môi trường sống do ô nhiễm.
Quá ít quyền lợi Sự phân bố các nguồn lực đầu tư cho các làng xã vùng ven là không tương xứng với vai trò và sự đóng góp của nó trong quá trình phát triển chung của cả đô thị. Các làng xã vùng ven không phải là khu vực mang lại những nguồn lợi trực tiếp cho một đối tượng đầu tư nào đó như đầu tư các khu đô thị mới, khu công nghiệp nhưng là nơi cung cấp nhân công lao động cho khu công nghiệp, lao động dịch vụ cho đô thị, nơi ở của các lao động phi chính quy, sinh viên, nơi làm ra các sản phẩm nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Người dân làng xã khi mất ruộng được quá ít quyền lợi. Đáng lẽ họ phải được sống trong một mô hình tổ chức cuộc sống mới tốt hơn những gì làng xã đang có hiện nay. Nhưng điều này chưa nơi nào làm được. Có thể ví sự phát triển của vùng ven hiện nay như một con đường lầy lội mà xe cộ vẫn phải qua lại bởi dòng đô thị hoá không thể dừng. Cuộc sống vẫn tiếp diễn cho dù vùng ven là khó khăn, đường làng chật chội, thiếu nước sạch, ô nhiễm thì người dân vẫn phải sống. Cái rơi vãi, mất đi dọc đường đô thị hóa không lấy lại được là một nền văn hoá làng xã đang suy tàn. Các làng xã đô thị hóa đang không thể gìn giữ và phát triển được những giá trị tích cực của văn hoá truyền thống. Đó là cái mất lớn nhất, nguy cơ lớn nhất trong quá trình phát triển. trong vòng hơn 10 năm tới Việt Nam sẽ có khoảng 16 triệu dân từ dân cư nông nghiệp thành dân cư đô thị. Riêng khi Hà Nội mở rộng hiện đã có khoảng hơn 2 triệu dân nông nghiệp với gần 300 xã (hơn 1.000 làng). Một phần khu vực này đang chuyển thành các đô thị. Vấn đề vùng ven và làng xã đô thị hoá ngày càng gay gắt hơn. Biến đổi của các vùng ven vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Và các câu hỏi vẫn ở phía trước. Tại sao không có các chiến lược phát triển vùng ven, chiến lược phát triển các làng xã vùng ven mà chỉ có chiến lược phát triển các đô thị? Mô hình làng xã đô thị hoá mẫu mực là thế nào? Nguồn lực nào để phát triển? Chính sách nào là ưu tiên để giữ gìn các giá trị văn hoá? Một mùa Xuân nữa lại về. Đúng dịp Thăng Long nghìn tuổi. Niềm vui thật nhiều, xong cũng lắm ưu tư. Còn bao nhiêu câu hỏi cứ xoáy trong tâm can: Bao giờ con cái tôi có được việc làm tốt? Bây giờ tôi sẽ làm nghề gì khi không có ruộng? Bao giờ làng tôi có nước sạch? Bao giờ đình làng được tu sửa lại? Bao giờ làng hết tắc đường, bao giờ ao làng hết bẩn? Bao giờ hết nghiện hút trong làng? Bao giờ làng có được sự yên bình như xưa? – Tất cả các câu trả lời đang ở phía trước.
|
Đô thị hóa nông thôn – đôi điều trăn trở…
49
Bài trước