Trang chủ » Doanh nghiệp xây dựng củng cố hành trang từ đâu ?

Doanh nghiệp xây dựng củng cố hành trang từ đâu ?





Dù cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn đang bao phủ song bằng kết quả vượt khó 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm của các DN ngành Xây dựng có thể thấy tín hiệu chung là sự lạc quan vào nền kinh tế phục hồi, thị trường sôi động trở lại. Một câu hỏi đặt ra: DN cần chuẩn bị gì cho chiến lược dài hơi sau thời khủng hoảng?



Nhà thi đấu trong nhà Indoor Games hoàn thành đúng tiến độ nhờ
quyết định sáng suốt của UBND TP Hà Nội chỉ định thầu cho TCty COMA. Ảnh: Đình Nghĩa.


Trong mọi thời kỳ dù trầm lắng hay hưng thịnh thì thị trường xây dựng cũng vẫn gồm nhiều phân khúc: Từ nhà tư nhân, các công trình giá trị thi công vài tỷ đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Nếu như cách đây chừng 2 – 3 năm các DN xây dựng có năng lực thi công thực sự không phải lo không có cơ hội việc làm, mà chỉ lo phấn đấu “thăng hạng”, ghi tên vào danh sách nhà thầu có các công trình thuộc phân khúc thị trường cao hơn thì trong năm 2008 và đặc biệt 6 tháng đầu năm 2009, nhiều DN tên tuổi hàng đầu ngành Xây dựng trong nước đã phải tính đến bài toán giảm lợi nhuận, tìm kiếm các dự án nhỏ để bảo đảm giữ chân lao động, đặc biệt là các DN sử dụng lao động kỹ thuật: Hàn, lắp máy, chế tạo, thi công công trình ngầm…


Mặc dù vậy, đa số chủ dự án các công trình lớn vẫn giữ quan điểm chọn những nhà thầu có uy tín, thay vì những nhà thầu bỏ giá thấp. Sở dĩ như vậy vì có tới 75% vốn đầu tư trên thị trường thuộc sở hữu ngoài quốc doanh nên yếu tố chất lượng công trình, uy tín thương hiệu cho cả nhà thầu và nhà đầu tư vẫn được đặt lên hàng đầu. Như vậy, việc cạnh tranh của DN chính là ở công tác quản lý chất lượng, là thương hiệu, là uy tín của đơn vị mình.


Theo ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, không phải nhà thầu nào cũng có kỹ năng quản lý phù hợp, tính toán chi phí đúng và đủ để bảo đảm chất lượng công trình, bảo vệ uy tín của DN. Còn khá nhiều nhà thầu không thực hiện nghiêm những quy định hiện hành của Nhà nước là phải có hệ thống quản lý chất lượng theo yêu cầu, tính chất quy mô công trình xây dựng trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân đồng thời mọi công việc phải được nghiệm thu nội bộ trước khi mời giám sát nghiệm thu ký biên bản. Trong thực tế, nhiều đơn vị không bố trí đủ giám sát nội bộ, thậm chí còn khoán trắng cho các đội thi công và phó mặc cho giám sát của chủ đầu tư.


Một điều nữa mà ông Hùng cho là rất quan trọng đối với các nhà thầu là lập biện pháp tổ chức thi công công trình đặc biệt. Đối với các công trình lớn, nhiều công việc có khối lượng lớn, phức tạp, ứng dụng nhiều công nghệ mới nếu làm tốt công việc này thì bảo đảm phần rất quan trọng để quản lý chất lượng, hiệu quả thi công “Rất tiếc là công việc này chưa được các nhà thầu quan tâm đúng mức, dẫn đến sai phạm, sự cố ngay cả những công trình trọng điểm quốc gia” – ông Hùng nói.


Có thực tế rằng, vào giai đoạn phát triển thuận lợi của nền kinh tế, số lượng nhà thầu trong nước phát triển rất mạnh. Đơn cử như TP.HCM, theo số liệu của Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng, thời điểm giữa năm 2007 có khoảng 26 nghìn DN có chức năng xây dựng, nhưng theo Hội này đánh giá chỉ có khoảng 1/10 DN trong số đó có năng lực thi công thực sự. Một số nhà thầu do những nguyên nhân khác nhau đã hạ giá thầu một cách thiếu căn cứ để có công trình hoặc do phải chi nhiều khoản ngoài chế độ nên phải tìm cách “hạ chất lượng” để bù đắp là tất yếu. Một DN có uy tín đưa ra lời khuyên  khá khôn ngoan: “Để không mắc sai lầm, nên sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp và đừng cố đeo bám những công trình có yêu cầu mức chi phí thấp hơn dự toán”.


Một vấn đề nữa cũng liên quan đến trình độ tổ chức và quản lý công trường mà các DN cần chủ động đối diện thay vì né tránh chính là áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế theo tiêu chuẩn ISO 9000. Việc hội nhập kinh tế quốc tế đã đem đến cơ hội cho DN xây dựng trong nước tham gia các công trình tầm cỡ khu vực và thế giới với yêu cầu “chất lượng toàn cầu”. Các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã có chính sách khuyến khích các đơn vị, tổ chức, thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001 – 2000, tuyên dương các đơn vị đăng ký và đạt công trình huy chương vàng chất lượng cao của Ngành, công trình chất lượng tiêu biểu liên Ngành. Song nhiều đơn vị đã xây dựng và được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO nhưng khi triển khai còn hình thức, chủ yếu là ở văn phòng Cty mà thiếu lực lượng cũng như biện pháp tổ chức thực hiện tại hiện trường xây dựng.


Ở góc độ khác, bàn về tính cạnh tranh hội nhập và bài toán kỹ thuật, ông Đào Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty Kỹ thuật Xây dựng và VLXD (Cotec  Group) không giấu giếm tham vọng DN lớn phải tích cực nâng cao trình độ để nắm bắt kỹ thuật thi công các công trình bảy, tám chục tầng cao chứ không phải hài lòng dừng lại ở những công trình trên dưới 30 tầng như hiện nay. Ông Nghĩa cho rằng “DN trong nước có thể đuổi bắt trình độ kỹ thuật thế giới trong 10 – 15 năm tới nhưng cơ hội phát triển thị trường xây dựng còn mênh mông đến 50 – 70 năm nữa. Không có lý do gì không có động thái chuẩn bị từ bây giờ, nếu không muốn mãi mãi chấp nhận làm thầu phụ của nước ngoài trong cuộc cạnh tranh ở chính… sân nhà”. Chia sẻ với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí kiến nghị sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng hỗ trợ tích cực cho DN trong nước khi tham gia các dự án có nguồn vốn Nhà nước nên chỉ định thầu hoặc tổ chức đấu thầu trong nước, nếu có DN nước ngoài tham gia thì phải liên danh hoặc làm thầu phụ.

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.