Theo quy luật thông thường, tháng 6 và tháng 7 hàng năm không phải là mùa xây dựng nên sức tiêu thụ thép trên thị trường thường giảm. Thế nhưng năm nay, nhu cầu sử dụng thép lại tăng hơn hẳn. Đó cũng là một trong những lý do khiến giá thép tăng trong những ngày gần đây.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, quý I năm nay lượng thép tiêu thụ chỉ đạt khoảng 150 nghìn tấn, bằng 1/2 so với mọi năm. Nhưng từ quý II, lượng thép tiêu thụ đã khá hơn rất nhiều. Gói kích cầu của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước triển khai các dự án, đặc biệt là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư BĐS, xây dựng nhà ở xã hội… dẫn đến nhu cầu thép tăng. Thêm vào đó, do một thời gian dài trước đó, giá thép đã ổn định ở mức thấp nên nhiều DN và người dân đã tiến hành xây dựng. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm nay lượng thép sản xuất giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng sức tiêu thụ đã tăng 4,25%. Chỉ tính riêng trong tháng 7, các DN sản xuất khoảng 340 nghìn tấn thép thì đã tiêu thụ được 335 nghìn tấn; tháng 6 lượng thép tiêu thụ cũng lên tới 352 nghìn tấn.
Trên thị trường, giá thép đã được điều chỉnh theo hướng tăng lên, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM. Nếu như đầu năm, giá thép cuộn phi 6 dao động từ 10,2 – 10,3 triệu đ/tấn thì đến đầu tháng 7, giá đã tăng lên từ 10,67 – 10,78 triệu đ/tấn; Giá thép tròn đốt cũng tăng, hiện ở mức từ 10,71 – 11,2 triệu đ/tấn (chưa kể VAT) tùy từng thương hiệu.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch VSA nhận định, một trong những nguyên nhân khiến giá thép tăng là do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Lúc chạm đáy, giá phôi thép là 330 đô-la/tấn, đầu tháng 7 giá phôi thép vào Việt Nam đã lên mức 470 đô-la/tấn. Tương tự, giá thép phế cũng tăng từ 220 đô-la/tấn lên 340 đô-la/tấn. Trong khi đó, nhập khẩu phôi thép trong nước vẫn chiếm tới 40%. Tính đến ngày 15/7, lượng phôi nhập khẩu đã đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn. Trên thực tế, giá bán trong nước và phôi nhập khẩu đã tương đương nhau.
Thêm vào đó, từ ngày 1/4, thuế nhập khẩu phôi đã tăng từ 5% lên 8%; thuế nhập khẩu thép xây dựng thành phẩm tăng từ 12% lên 15%; thuế nhập khẩu cán nguội tăng lên 8%, tôn mạ kim loại và phủ màu là 13%.
Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng nhiều lần cũng là một trong những nguyên nhân đẩy chi phí đầu vào gia tăng. Và mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã công bố tỷ giá nhưng DN vẫn phải mua đô-la ở mức cao, hiện đã xấp xỉ 18.000 đồng/đô-la. Cộng với việc hạn chế cho vay ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu, trong đó có sắt thép phế đã gây khó khăn cho các DN sản xuất phôi.
Và một yếu tố nữa không thể không nói đến làm thị trường thép tăng giá, đó là do DN sản xuất và các nhà phân phối chưa gặp nhau ở khâu tiêu thụ. Do vậy, nhiều đại lý đã găm hàng đợi lúc thị trường sôi động thì đẩy giá lên cao.
Ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết thêm, trong một thời gian dài trước đó, giá thép đã giảm sâu; thép nhập khẩu giá rẻ lại tràn lan trên thị trường nên nhiều DN đã bị lỗ, thậm chí phải ngừng sản xuất. Do vậy, đây là thời điểm thích hợp để các DN “cắt lỗ. Giá tăng như hiện nay cũng là thích hợp để các DN khôi phục sản xuất. |
Thép tăng giá, vì sao?
62