Cụ thể, quận 2 sẽ là khu vực có giá đất tăng cao nhất với tỷ lệ trên 100%. Hai khu vực còn nhiều đất trống như quận 7, Tân Bình có tỷ lệ tăng giá 50-100% so với hiện nay.
Các quận trung tâm 1, 3, 4, 5, 10, 11, phú Nhuận tăng 30-50%, trong khi những quận xa nội thị như Gò Vấp, Tân phú, Bình Thạnh, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi chỉ tăng 10%.
Đắt nhất trong bảng giá đất là các tuyến đường tọa lạc ngay trung tâm Sài Gòn: Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) với mức giá 81 triệu đồng mỗi m2. Xếp cuối bảng là khu dân cư Thiềng Liềng thuộc huyện Cần Giờ với giá 110.000 đồng một m2.
Bùng binh cây liễu, giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ, quận 1, hai trong 3 tuyến đường có giá “đỉnh” nhất khung giá đất năm 2009. Ảnh: Đức Quang. |
Như vậy, năm 2009 sẽ có 1.899 đoạn đường, tuyến đường Tp HCM được điều chỉnh tăng giá, 675 đoạn đường giữ nguyên giá và giảm giá 8 đoạn, tuyến đường. Khung giá này sẽ là cơ sở thu tiền sử dụng đất, các loại thuế, phí thuê đất, giao đất, phí trước bạ…
Theo giới chuyên môn, khung giá đất 2009 vẫn còn vênh trung bình 4-6 lần so với giá thị trường. Đơn cử giá đất 3 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ sắp là 81 triệu đồng mỗi m2 vẫn chênh lệch 3-4 lần so với giá trị thực tế. trên thị trường, đất các tuyến phố này có giá trung bình 250-300 triệu đồng mỗi m2, thậm chí nhiều thời điểm còn vượt mốc 300 triệu đồng.
Tương tự, đất quận 2 tuy trong khung giá mới tăng trên 100% nhưng vẫn thấp hơn 5-6 lần so với giá chuyển nhượng thật. Còn quận 7 và khu vực lân cận đô thị phú Mỹ Hưng trong khung giá mới vẫn còn cách xa giá trị giao dịch thực tế đến 4 lần.
Vũ Lê