Gỡ rối tranh chấp mua suất tái định cư tại quận 2: có thể sai luật


Liệu có thể giải quyết các vụ tranh chấp hợp đồng uỷ quyền nhận nền tái định cư ở Q.2 bằng quy định mới về giấy uỷ quyền? Theo ý kiến của luật sư, việc quy định này phủ nhận hiệu lực của hợp đồng uỷ quyền hợp pháp và đúng luật








Gần đây, phòng giao dịch Thủ Thiêm, quận 2 (BIDV) phải làm thêm giờ để giải ngân tiền đền bù cho người dân tại quận 2. Ảnh: L.H.T


Theo hướng dẫn mới nhất của sở Tư pháp TP.HCM về những tranh chấp hợp đồng uỷ quyền mua suất tái định cư, thì Nhà nước chỉ trả tiền hỗ trợ bổ sung cho người có đất bị thu hồi và người có giấy uỷ quyền sau ngày 21.1.2009, thời điểm UBND TP.HCM ra quyết định về hỗ trợ bổ sung cho dự án trên. Những trường hợp có giấy uỷ quyền trước ngày này thì phải làm lại giấy uỷ quyền.


Cách giải quyết… cho gọn


Đại diện của lãnh đạo sở Tư pháp cho rằng, hướng giải quyết đúng với chủ trương của thành phố là hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi mà khi ký giấy uỷ quyền trước đó, người uỷ quyền chưa nắm hết những quyền lợi phát sinh.


Trên thực tế, có nhiều trường hợp, các bên liên quan không phải chờ đến khi có hướng dẫn mới của sở Tư Pháp. Cách làm của họ rất đơn giản: bên bán và bên mua mỗi bên chia nhau 50 – 50 “lợi nhuận”.


Cụ thể, tháng 9.2008, bà L.K.Q, ngụ tại quận 12 đã chuyển nhượng cho bà T. với giá trên 256 triệu đồng, bằng một hợp đồng uỷ quyền cho bà T. được nhận suất tái định cư. Bên bán đã nhận đủ tiền. Khi áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ mới, số tiền nhận hỗ trợ bổ sung từ suất tái định cư của bà Q. chênh lệch đến 16 triệu đồng/m2 (nếu trả lại suất tái định cư để nhận tiền). Xót của, bà Q. đòi huỷ hợp đồng mua bán, bồi thường cho bà T. gấp rưỡi số tiền trên. Bà T. không chịu. Hai bên tính đưa nhau ra toà. Sau nhiều lần hoà giải, cuối cùng bà Q. cũng đồng ý chia đôi mỗi bên 50 – 50 cả tiền hỗ trợ lẫn khoản mua suất tái định cư.


Không phải trường hợp nào hai bên cũng có thể tự thoả thuận được với nhau như trường hợp nêu trên. Theo thống kê của ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.2, từ nay đến giữa tháng 4, hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2 sẽ bồi thường dứt điểm khoảng 1.300 hồ sơ đã hiệp thương đến ngày 6.2. Trong số này có gần 500 trường hợp tranh chấp tiền bồi thường liên quan việc ủy quyền mua suất tái định cư. Hầu hết những trường hợp tranh chấp, trước đó đều được toà án xử huỷ hợp đồng mua bán giữa hai bên.


Cũng như đại diện sở Tư pháp, trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.2 Hứa Ngọc Thảo khẳng định: chỉ giải quyết cho người đứng tên hồ sơ gốc chứ không chi trả cho người được uỷ quyền. Như vậy hàng trăm trường hợp uỷ quyền suất tái định cư tưởng đã có lối ra nay lại sắp đối mặt với những rắc rối mới. Đây còn là bài học “bút sa tiền mất” cho những người đã đang và sắp mua bán suất tái định cư trong các dự án.


Trái với luật Dân sự?


Luật sư Nguyễn Văn Quynh (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, cần phải xem lại quy định của các cơ quan vừa đưa ra này có phù hợp pháp luật hay không. Ông Quynh viện dẫn nguyên tắc quyền sở hữu tài sản, tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận và tự chịu trách nhiệm trong bộ luật Dân sự. Theo đó, pháp luật có quy định về quyền được thay mặt trong uỷ quyền, làm từng công việc, hoặc toàn bộ công việc. Việc các cơ quan hữu quan thống nhất, buộc các loại giấy uỷ quyền lập trước ngày 21.1.2009 phải làm lại mà không xem xét các loại giấy uỷ quyền và nội dung của giấy uỷ quyền cũ là không phù hợp với luật Dân sự, khi các bên đã tự nguyện ký kết thực hiện công việc uỷ quyền tại cơ quan có thẩm quyền.


Luật sư  Nguyễn Thanh Lương, đoàn Luật sư Bến Tre, cho rằng trong trường hợp này nếu các cơ quan nhà nước yêu cầu người dân ký lại hợp đồng uỷ quyền khác mới cho nhận tiền sẽ trái quy định vì hiệu lực của hợp đồng uỷ quyền là do hai bên đương sự tự thoả thuận và quyết định. Làm như vậy đồng nghĩa phủ nhận hiệu lực của hợp đồng uỷ quyền hợp pháp và đúng luật…


An Vũ Nguyên


 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *