Gọi đầu tư 12 tỷ USD cho các dự án hạ tầng đô thị thiết yếu





Ngày 14/1 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào hạ tầng đô thị Việt Nam, đưa ra một danh mục gọi đầu tư gồm 68 dự án quan trọng và cấp thiết từ Trung ương tới địa phương thuộc các lĩnh vực: kết cấu hạ tầng giao thông; cấp, thoát nước; xử lý chất thải rắn, vệ sinh môi trường; nâng cấp phát triển hạ tầng đô thị. Tổng vốn dự kiến khoảng 12 tỷ USD.


Theo các báo cáo của Bộ KHĐT, hiện nay Việt Nam đang có 731 đô thị. Tuy nhiên, hệ thống đô thị phân bổ chưa hợp lý và chưa đồng đều. Mặc dù trong những năm qua, Nhà nước đã ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực này, chiếm khoảng 13,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng hệ thống giao thông đô thị ở các thành phố lớn, các khu vực đô thị phát triển chưa được quy hoạch và đầu tư hoàn chỉnh…Trong khi đó, dân số đô thị tăng nhanh (nhất là tại các đô thị lớn) đã làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Việc quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng đô thị chậm hơn so với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội và tăng dân số đô thị đã làm cho sự phát triển đô thị chưa phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên (nhất là đất đai, nguồn nước); đặc biệt là tình trạng yếu kém và lạc hậu của hệ thống giao thông, nhà ở, thoát nước thu gom xử lý nước thải, thu gom xử lý chất thải rắn. Hệ thống cây xanh, công viên đô thị còn chưa được quan tâm đầu tư; tỷ lệ đất cây xanh, công viên đạt rất thấp so với tiêu chuẩn quy định (Hà Nội 5,3 m2/người; TP Hồ Chí Minh 3,5 m2/người); hệ thống sông, hồ ở đô thị bị suy giảm…


Định hướng của Nhà nước Việt Nam về phát triển kết cấu hạ tầng đô thị trong những năm tới là: Xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống hạ tầng đô thị, cung cấp đủ nước sạch cho đô thị, khu công nghiệp; Giải quyết cơ bản việc thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, vệ sinh môi trường ở các đô thị từ loại 4 trở lên, các khu công nghiệp, các làng nghề và các khu đô thị, khu dân cư tập trung đang có nguy cơ bị ô nhiễm; cải tạo nâng cấp và phát triển giao thông đô thị hợp lý, hiện đại, nhất là tại các đô thị trực thuộc Trung ương; xây dựng các tuyến tàu điện ngầm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nước ta tiếp tục phát triển các khu đô thị mới, đi đôi với việc chỉnh trang, nâng cấp các khu đô thị hiện có; xóa nhà tạm và các khu nhà ở chung cư đã xuống cấp, không an toàn cho người sử dụng tại các đô thị.tập trung đầu tư các dự án hạ tầng đô thị quy mô lớn đáp ứng: nhu cầu phát triển, lộ trình hội nhập, giao thương kinh tế quốc tế


Bộ KHĐT cho biết: tuy trong thời gian gần đây đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm và tham gia thực hiện một số dự án đầu tư kinh doanh khu đô thị mới, nhà ở, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mai, dự án đường bộ vành đai đô thị, dự án cấp nước đô thị và dự án xử lý chất thải rắn tại các đô thị lớn; nhưng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng cho đến nay vẫn chủ yếu từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn ODA. Do vậy, nguồn đầu tư cho kết cấu hạ tầng còn hạn hẹp, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển.


Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ KHĐT Trương Văn Đoan nhấn mạnh: Đáp ứng nhu cầu đô thị hóa với tốc độ nhanh trên địa bàn các tỉnh, thành phố là một trong những thách thức rất lớn, đòi hỏi có sự quan tâm, góp sức của toàn xã hội, sự quan tâm của các nhà tài trợ ODA, các tổ chức tài chính quốc tế và đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước. Thứ trưởng khẳng định: Các dự án được đưa ra mời gọi tại hội nghị đều là các dự án mang tính ưu tiên và đã được các cơ quan thẩm quyền trung ương và địa phương chuẩn bị, đề xuất và nhiệt thành mời gọi sự tham gia của các nhà tài trợ, các nhà đầu tư.


Tại hội nghị, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đã giới thiệu về mục tiêu, định hướng phát triển hạ tầng đô thị Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020; môi trường đầu tư và các chính sách thu hút đầu tư; các quy định, trình tự thủ tục triển khai dự án đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng đô thị; các quy định về chính sách thuế đối với nhà đầu tư và chính sách đền bù GPMB, tái định cư khi thực hiện các dự án hạ tầng đô thị v.v…


Hội nghị đã trao đổi về những vấn đề tồn tại trong việc thu hút và đầu tư hạ tầng đô thị tại Việt Nam, việc hoàn thiện chính sách đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân vào hạ tầng đô thị với các hình thức BOT, BT và BTO cũng như tiếp tục tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, hiệu quả và bền vững./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *