Gọi vốn vào hạ tầng đô thị, góp phần kích cầu!





**Gọi đầu tư 12 tỷ USD cho các dự án hạ tầng đô thị thiết yếu


Tại hội nghị ngày 14/12 về xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng đô thị tại Hà Nội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố danh mục gọi đầu tư gồm 68 dự án quan trọng và cấp thiết thuộc trung ương và địa phương về kết cấu hạ tầng giao thông; cấp, thoát nước; xử lý chất thải rắn, vệ sinh môi trường; nâng cấp phát triển hạ tầng đô thị. Tổng mức vốn dự kiến khoảng 12 tỷ USD.


Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam Lại Văn Đạo cho biết, Ngân hàng sẽ tập trung hỗ trợ một số dự án an sinh xã hội theo gói kích cầu trong đó có một số công trình hạ tầng đô thị như nước sạch, xử lý nước thải, nhà ở cho công nhân, ký túc xá… Kế hoạch này sẽ được đề đạt lên để Chính phủ phê duyệt.


Trả lời câu hỏi lĩnh vực hạ tầng mà kích cầu sẽ hướng tới là gì, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trương Văn Đoan cho biết “những dự án lớn về hạ tầng đô thị, giao thông rất cần thiết trong khi lại đang thiếu vốn vì thế kích cầu đưa tiền vào đây thì họ có tiền, giải ngân ngay được. Cát, đá, sỏi cũng được tiêu thụ đồng thời tạo ra công ăn việc làm thì kích cầu sẽ có hiệu quả ngay lập tức.” Ngoài những dự án về an sinh, xóa đói giảm nghèo, những lĩnh vực nào tập trung những công trình lớn, dự án lớn có khả năng giải ngân lớn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có những dự án khả thi, dự án đang làm dở dang nhưng có hiệu quả lớn thì cũng có khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư của năm 2009. Bởi muốn giảm sự giảm thiểu của nền kinh tế thì quan trọng là đẩy mạnh giải ngân, góp phần tăng trưởng kinh tế.


Lộ trình xây dựng hạ tầng đô thị cần rất nhiều nguồn vốn nhưng chúng ta lại chủ yếu trông vào ngân sách, nguồn vốn ODA trong khi những nguồn vốn này cũng có mức độ. Thứ trưởng Trương Văn Đoan cũng cho biết các bộ, ngành đang xây dựng những chính sách về thuế, tài chính, đất đai… tạo sức hút với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo Thứ trưởng, nói các doanh nghiệp tư nhân chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng đô thị cũng không hoàn toàn chính xác bởi nguồn vốn của các doanh nghiệp hạn chế, chủ yếu là vốn vay, trong khi khả năng trả vốn vay cũng rất có hạn, bên cạnh đó chính sách vào lĩnh vực này chưa hấp dẫn.


Thứ trưởng cho biết thêm tới đây, Thủ tướng sẽ cho phép sửa đổi hình thức BOT cho phù hợp với tình hình hiện nay. “Cái vướng nhất hiện nay là muốn làm BOT được thì phải xây dựng dự án ban đầu mà xây dựng dự án ban đầu thì rất tốn kém. Vì vậy trong khi các nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng dự án tiền khả thi ban đầu, thì Chính phủ cũng phải bỏ ra một nguồn tiền nhất định xây dựng dự án, sau đó cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đấu thầu. Như vậy sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia“. Thứ trưởng Đoan nói.


Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, hiện nay Việt Nam đang có 731 đô thị nhưng lại chưa phân bổ hợp lý và đồng đều. Hệ thống giao thông đô thị ở các thành phố lớn, các khu vực đô thị chưa được quy hoạch và đầu tư hoàn chỉnh… Trong khi đó, dân số đô thị tăng nhanh (nhất là tại các đô thị lớn) đã làm quá tải hệ thống này. Vốn đầu tư thuộc NSNN còn hạn hẹp, lại chưa có cơ chế huy động, tạo vốn phù hợp nên kết cấu hạ tầng đô thị còn thiếu và chắp vá; nhiều khu nhà chung cư bị lún nứt, nguy hiểm chưa được cải tạo nâng cấp hoặc xây dựng lại. Tình trạng ô nhiễm nước, không khí ở một số khu vực đô thị đang ở mức báo động.


* Mục tiêu đến năm 2020: 2 tuyến tàu điện ngầm tại Hà Nội và TP HCM đã có cam kết vốn của các nhà tài trợ, 14 tuyến quan trọng khác đang xúc tiến nguồn vốn để đầu tư. Huy động các nguồn vốn ngoài Nhà nước để đầu tư các tuyến đường bộ khu vực, các tuyến vành đai của các TP lớn trực thuộc TW.


* Mục tiêu đến năm 2010: Nhà ở đô thị đạt 15 m2/người (hiện nay là 10,7m2/người); Đô thị từ loại 3 trở lên 100% số dân được cung cấp nước sạch với tiêu chuẩn 150 lít/người/ngày, đô thị loại 4 và 5 cung cấp đủ nước sạch cho 90% số dân với tiêu chuẩn 150 lít/người/ngày (hiện nay số dân đô thị được cung cấp nước sạch đạt 80%, tiêu chuẩn 100 lít/người/ngày); Các đô thị từ loại 4 trở lên có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, tỷ lệ phục vụ đạt 80-90% diện tích; Nước thải các đô thị từ loại 3 trở lên được thu gom và xử lý triệt để…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *