Trang chủ » Hà Nội: Chồng chất tình trạng vi phạm đê điều

Hà Nội: Chồng chất tình trạng vi phạm đê điều





Mùa mưa bão năm 2009 đã cận kề, nhưng 44 tuyến đê chính và đê bối ở thành phố Hà Nội với tổng chiều dài gần 530 km lại trở nên mỏng manh trước sự tàn phá của hàng ngàn vụ vi phạm về đê điều và cả sự thiếu quan tâm của chính quyền địa phương.

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội gần 10km, từ nhiều năm nay, tuyến đê Tả Đáy chảy qua địa phận xã Thống Nhất, huyện Thường Tín bị xâm hại nghiêm trọng bởi các hộ dân địa phương. Họ ngang nhiên lấn chiếm, xây dựng hàng chục lò gạch trái phép, “gặm” dần đất hành lang an toàn ven đê làm ảnh hưởng đến vành đai thoát lũ và gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Trước những vi phạm trắng trợn này, tháng 5 năm 2009, chính quyền huyện Thường Tín đã phải ra các quyết định cưỡng chế giải tỏa 29 lò gạch của 22 trường hợp chủ lò trên địa bàn xã Thống Nhất.

Khác với tuyến đê Tả Đáy, tuyến đê Hữu Hồng chảy qua địa phận một số xã thuộc huyện ngoại thành Từ Liêm, đang ngày đêm “gồng mình” gánh một lượng lớn xe ô tô chở vật liệu xây dựng với tải trọng trên 20 tấn rầm rập băng qua, trong khi đó, trọng tải cho phép đối với các phương tiện lưu thông tại tuyến đê này là dưới 13 tấn. Vì vậy, dù tuyến đê Hữu Hồng thường xuyên được tu bổ, bảo vệ nhưng do là đường giao thông dẫn đến các điểm tập kết vật liệu xây dựng, khu vực khai thác cát ở bãi sông nên mặt đê thường xuyên trong cảnh vỡ nát.

Tả Đáy và Hữu Hồng chỉ là hai trong số các tuyến đê bị xâm hại nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội. Hầu hết các quận, huyện có đê chạy qua đều phát sinh vi phạm hành lang đê điều với mức độ ngày càng dày đặc. Người dân đã tự ý xẻ đê làm dốc mở đường giao thông hoặc đào ao, khoan giếng, khai thác cát, tập kết vật liệu, rác thải trên mặt đê, thân đê, chân đê. Thậm chí, nhiều hộ dân ngang nhiên dùng đá hộc, gạch, cát đổ lấn ra hàng chục mét về phía dòng chảy để xây dựng công trình nhà cửa, khu sản xuất…


Tổng số vụ vi phạm Luật đê điều còn tồn tại từ trước đến tháng 4 năm 2009 trên địa bàn Hà Nội lên tới gần 5.200 vụ. Trong đó, có 398 vụ vi phạm trong năm 2008 và tới tháng 4 năm nay. Vi phạm diễn ra chủ yếu trong hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ (1.259 vụ) trong phạm vi 5m (2.266 vụ). Song đáng quan ngại hơn là sự buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết trong việc ngăn chặn, xử lý các vi phạm của một số cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là tại phía Tây Hà Nội.

“Tại các địa phương này, nhất là huyện Ứng Hòa, vi phạm ngày càng phức tạp, chồng chất. Chi cục, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần kiến nghị song chính quyền cơ sở vẫn chưa kiên quyết xử lý”. Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Phùng Xuân Dụng bức xúc. Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, cũng khẳng định: Hiện nay Chi cục đã chỉ đạo các Hạt đê điều tiến hành khảo sát lập biên bản yêu cầu chính quyền địa phương đình chỉ và cưỡng chế các vi phạm. Việc xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương, bên đê điều chỉ là cơ quan phát hiện rồi kiến nghị. Chúng tôi đã có văn bản báo cáo và kiến nghị xử lý nhưng hầu hết các quận, huyện đều bỏ qua. Cấp chính quyền cơ sở mà không làm thì không ngăn chặn được.

Trước tình hình trên, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo, từ 1/6 – 4/7/2009, thành phố ra quân thực hiện kế hoạch giải tỏa toàn bộ các vi phạm pháp luật về đê điều (nhà kiên cố, nhà cấp 4, công trình phụ, lều quán, đào xẻ đê, làm dốc lên đê, chứa chất vật tư chất thải trên mặt đê, mái đê, cơ đê và trong phạm vi 5m tính từ chân đê, trong hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ) và vi phạm Pháp lệnh bảo vệ công trình thủy lợi và Pháp lệnh phòng chống lụt bão.
Tuy nhiên, với những vấn đề đặt ra, liệu trong một tháng, thành phố có giải tỏa được “một núi” vi phạm trên hay lại trong tình trạng vi phạm cũ chưa được giải quyết đã lại phát sinh sai phạm mới ?./.

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.