Hãy trả sân chơi cho trẻ !





Hà Nội tự hào với cả nước về số lượng công viên như: Công viên Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất, Công viên Bách Thảo, Thiên đường Bảo Sơn… với diện tích rộng hàng chục ha nhưng hầu hết trẻ em đến đây để xem hơn là chơi. Công viên nước Hồ Tây, Công viên Vầng Trăng được quảng cáo là khu giải trí lớn nhất miền Bắc, là thiên đường giải trí của trẻ em… nhưng xem ra những trò chơi ở công viên này chỉ để cho con nhà giàu và người lớn chứ không dành cho số đông trẻ em. Mặc dù, Hà Nội có đến 2.184 điểm vui chơi dành cho trẻ em, trong đó có 1.700 điểm vui chơi cấp phường, xã nhưng phần lớn hệ thống trang thiết bị tại các điểm vui chơi đã quá cũ kỹ, hỏng hóc. Trong khi đó, dù vẫn được đưa vào danh sách điểm vui chơi, giải trí cho thiếu nhi nhưng có nhiều dự án sau nhiều năm triển khai vẫn chỉ là một bãi đất trống.



“Đang triển khai, vẫn đang nằm trong diện quy hoạch” là câu trả lời phổ biến nhất mà người dân nhận được. Những khu vực tập trung đông dân cư như các khu chung cư, khu tập thể được xây dựng từ thập kỷ trước đều có khoảng không dành riêng cho trẻ em. Song không gian này cũng đang dần bị thu hẹp bởi sự chiếm dụng của người lớn. Trong quy định xây dựng các khu chung cư mới đều có khu vui chơi cho trẻ nhưng trong thực tế lại thiếu sự quan tâm của các chủ đầu tư. Vì vậy, nhiều trẻ em đã phải sử dụng các đoạn đường trong phố, nơi các phương tiện giao thông qua lại để vui chơi, bất chấp tai nạn luôn rình rập.


Có một nghịch lý là ở nông thôn, nơi có quỹ đất dồi dào thì trẻ em vẫn thiếu sân chơi. Mặc dù diện tích đất đai rộng lớn nhưng không được quy hoạch bài bản, nên tại nhiều vùng nông thôn tài nguyên đất bị lãng phí, điểm vui chơi lại càng khan hiếm. Hơn thế, chỗ chơi của trẻ em nông thôn đang thiếu dần bởi các làng, xã đang trong tiến trình “bê tông hóa”, người ta khoanh vùng, xây tường rào để giữ đất. Sân kho của các xã, sân đình, sân chùa của các ngôi làng cũng dần được giao khoán. Thế nên, trẻ em nông thôn chỉ còn được chọn những chỗ chơi bất đắc dĩ, thiếu an toàn ngay ngã ba đầu làng, cạnh ao hồ, trên bờ đê, thậm chí là cả trên quốc lộ.


Sân chơi là một hoạt động sinh hoạt cộng đồng gắn kết trẻ em với xã hội, qua đó hình thành nhân cách của các em. Đầu tư xây dựng sân chơi cho trẻ em cần được coi là những công trình phúc lợi công cộng chứ không phải là loại hình có thể kinh doanh sinh lời. Đây không phải là câu chuyện của riêng từng nhà mà là bài toán cần cả xã hội cùng chung tay để có lời giải.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *