Xử lý chất thải bệnh viện: Vấn đề cấp bách





Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có 1.047 bệnh viện, hơn 10.000 trạm y tế xã. Trung bình mỗi ngày một giường bệnh thải ra khoảng 2 kg rác trong đó 25% là rác thải nguy hiểm. Toàn quốc hiện có gần 200 lò đốt chất thải rắn y tế đang vận hành xử lý cho 73,3% số bệnh viện, còn 26,7% các bệnh viện vẫn đang thực hiện chôn lấp chất thải rắn y tế hoặc thiêu đốt ngoài trời. Trong khi đó, chỉ 1/3 lượng rác thải rắn y tế được đốt bằng lò hiện đại số còn lại thiêu ngoài trời, lò thủ công, chôn trong khuôn viên bệnh viện hoặc thải ra bãi rác chung.



Rác thải y tế đang trở thành hiểm họa đối với môi trường.


Việc xử lý rác thải y tế còn quá nhiều bất cập. Đơn cử như việc vận chuyển rác ra ngoài bệnh viện đến địa điểm đốt thì nguy cơ lây lan mầm bệnh nếu không có phương tiện vận chuyển chuyên dụng và nếu chôn lấp thì có thể gây ô nhiễm nguồn nước và đến một lúc nào đó sẽ không còn đất để chôn lấp. Ngay cả việc đốt bằng lò thì số lò đốt rác y tế có hệ thống đạt tiêu chuẩn không nhiều, khi đó xử lý được chất độc này lại làm phát sinh các chất độc khác.


Xử lý rác và nước thải trong các bệnh viện là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, đặc biệt khi dịch cúm A/H1N1 được cảnh báo đã trở thành đại dịch. Phải xây dựng hệ thống xử lý và khử trùng nước thải tập trung trước khi xả vào hệ thống thoát nước công cộng để loại trừ nguy cơ truyền nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Theo Đề án mà Bộ Y tế xây dựng thì đến năm 2010 tất cả các bệnh viện sẽ có hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng với công nghệ phù hợp. Tuy nhiên, cái mốc năm 2010 cũng chỉ là mục tiêu và trên thực tế mục tiêu này khó thực hiện bởi phần lớn các bệnh viện vẫn chưa thể xử lý chất thải rắn và nước thải một cách triệt để theo tiêu chuẩn.


GS.TS Nguyễn Xuân Nghiêm (Viện Khoa học Việt Nam) cho rằng, bất cập trong việc xử lý nước thải ở BV chính là công nghệ xử lý nước thải đa dạng, nhiều khi xử lý tốt ở các khâu sơ cấp, thứ cấp và tiệt trùng nhưng còn hàng loạt vấn đề phát sinh khác như vận hành và quản lý. Hiện chỉ có 10% trong tất cả các trạm xử lý nước thải tuân thủ, vận hành đúng. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định có thể là do thiếu kinh phí, thiết bị và cũng có thể là do những bất cập khác trong quản lý.


Vấn đề đặt ra của ngành y tế là kinh phí thiếu như thế nào và bất cập trong quản lý là ở đâu? Thực tế cho thấy thiếu kinh phí là vấn đề chính và đây cũng là ý kiến của rất nhiều đại diện các BV cũng như trung tâm y tế. BS. Hoàng Đức Kế – Phó phòng Nghiệp vụ Trung tâm Y tế huyện Đông Anh cho biết: Mỗi ngày Trung tâm đang đổ ra khoảng 200m3 nước thải nhưng do không có kinh phí nên lượng nước này không hề được xử lý trước khi thoát ra môi trường. Đây cũng là hiện trạng của hầu hết bệnh viện tuyến huyện, hệ thống xử lý nước thải phần lớn chỉ có ở BV tuyến trung ương, tuyến tỉnh và ngành. Ngay như chất thải rắn độc hại thay vì phải thu gom xử lý hàng ngày thì lại tích trữ cả tuần sau đó mới được Cty môi trường lấy đi vì mỗi ngày chỉ có 10 – 20kg rác loại này nên phải chờ một chuyến ôtô để tiết kiệm chi phí.


Có thể nói, vấn đề xử lý chất thải y tế đang hết sức cấp bách, rất cần sự quan tâm của nhiều cấp, ngành.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *