Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng (thay thế Nghị định 58/2008/NĐ-CP) đã được Bộ Xây dựng lấy ý kiến rộng rãi từ các cục, vụ quản lý chức năng, DN trong và ngoài Ngành để hoàn thiện báo cáo Thủ tướng. Báo Xây dựng xin tổng hợp và giới thiệu cùng độc giả một số ý kiến của các chuyên gia góp ý cho việc hoàn thiện Nghị định này.
Đấu thầu quốc tế các dự án, gói thầu sử dụng vốn Nhà nước Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay, việc nhà thầu nước ngoài tham gia đấu thầu thực hiện các gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn Nhà nước ngày càng nhiều. Ở mức độ nhất định, sự tham gia của nhà thầu nước ngoài đã góp phần huy động thêm nguồn vốn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm quản lý cho một số dự án đầu tư trong nước. Tuy nhiên do quy định về đấu thầu quốc tế đã có trong Luật Đấu thầu nhưng chưa cụ thể dẫn đến việc tổ chức đấu thầu quốc tế và lựa chọn nhà thầu nước ngoài để thực hiện những công việc, gói thầu mà nhà thầu trong nước có thể đảm nhận được diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm thị phần của nhà thầu trong nước, làm phức tạp thêm công tác quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài. Vì vậy, nội dung Dự thảo Nghị định cần có thêm hướng dẫn chi tiết về các trường hợp được tổ chức đấu thầu quốc tế, phạm vi và điều kiện sử dụng nhà thầu nước ngoài nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu nước ngoài trong những trường hợp không thật sự cần thiết, tạo thêm việc làm và đảm bảo lợi ích cho các nhà thầu trong nước.
Quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam Quản lý hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài thông qua việc cấp giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là sự thể hiện về chủ quyền quốc gia, là công cụ cần thiết để Nhà nước kiểm soát các hoạt động của nhà thầu nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Quy định về cấp giấy phép hoạt động đối với nhà thầu nước ngoài đã được nêu trong Luật Xây dựng, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Như vậy, việc Dự thảo Nghị định quy định nhà thầu nước ngoài trúng thầu không phải làm thủ tục để được cấp giấy phép thầu một mặt là trái với quy định của các Luật nêu trên, mặt khác không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của nhà thầu nước ngoài.
Quy trình đấu thầu đối với mua sắm hàng hoá và xây dựng Về bản chất, đấu thầu mua sắm hàng hoá và đấu thầu xây dựng rất khác nhau. Đấu thầu mua sắm hàng hoá là để chọn được hàng hoá đã có sẵn, còn đấu thầu xây dựng là để chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để làm ra sản phẩm là công trình xây dựng được định dạng theo thiết kế. Trong Nghị định 58/2008/NĐ-CP ngày 5/5/2008 và Dự thảo Nghị định thay thế đều quy định một quy trình đấu thầu và phương pháp xét thầu áp dụng chung cho đấu thầu mua sắm hàng hoá và xây dựng là chưa phù hợp với bản chất của hai loại công việc này dẫn đến nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đấu thầu xây dựng. Dự thảo Nghị định cần có quy định riêng về quy trình đấu thầu, phương pháp xét thầu đối với đấu thầu mua sắm hàng hoá và đấu thầu xây dựng, đồng thời bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể việc xem xét, đánh giá điều kiện năng lực của nhà thầu dự thầu theo Luật Xây dựng và chỉ định thầu thực hiện đồ án quy hoạch xây dựng như tại Quyết định số 49/2007/QĐ-TTg ngày 11/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Các quy định về hợp đồng Các quy định về hợp đồng trong Dự thảo Nghị định chưa bao trùm được đầy đủ các hình thức, đặc điểm, tính đa dạng và sự phức tạp của hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Sự phức tạp của hợp đồng xây dựng trước hết được biểu hiện ở quy mô, tính chất loại công việc, thời gian và điều kiện thực hiện cụ thể. Ngoài ra, nội dung của hợp đồng xây dựng không chỉ xác lập mối quan hệ dân sự giữa hai bên hợp đồng mà còn thể hiện vai trò, trách nhiệm của bên thứ ba cùng tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm là công trình xây dựng như: Tư vấn khảo sát, thiết kế, giám sát thi công theo quy định của pháp luật về xây dựng. Vì vậy, các quy định về hợp đồng xây dựng cần được hướng dẫn trong một văn bản pháp quy riêng và hiện tại Chính phủ đang chỉ đạo soạn thảo một nghị định riêng về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu Đấu thầu hiện đang là một hoạt động thường xuyên của nhiều bộ, ngành, địa phương, DN và việc quản lý công tác đấu thầu là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý dự án. Để nâng cao hiệu quả quản lý công tác đấu thầu thì cần có sự phân định rõ ràng giữa chức năng quản lý Nhà nước về đấu thầu của một số bộ, ngành theo phân công với nhiệm vụ quản lý công tác đấu thầu của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và DN. Theo Dự thảo Nghị định thì các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, địa phương, UBND các cấp kiểm tra về đấu thầu đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình và các dự án do mình quyết định đầu tư. Quy định như vậy sẽ làm mất đi vai trò quản lý Nhà nước về đấu thầu theo ngành, lĩnh vực, gây ra sự lẫn lộn giữa chức năng quản lý Nhà nước về đấu thầu với nhiệm vụ quản lý công tác đấu thầu cụ thể theo phân cấp. Dự thảo Nghị định cần được sửa đổi quy định về phân công trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về đấu thầu của một số bộ, ngành để phù hợp với quy định của một số luật chuyên ngành như Luật Thương mại, Luật Xây dựng cũng như để phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn mà Chính phủ đã giao cho một số bộ quản lý ngành như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng trong việc hướng dẫn, kiểm tra về đấu thầu. |
Hoàn chỉnh Nghị định về thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng
11
Bài trước