Một ứng dụng mới trong quản lý chất thải nguy hại được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM áp dụng trong thời gian tới sẽ giúp các ngành chức năng giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường…
Những con số… “báo động đỏ” Mỗi ngày TP.HCM thải ra khoảng 6.200 – 6.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt, 1.000 – 1.500 tấn chất thải rắn xây dựng, 9 -10 tấn chất thải rắn y tế, 200 – 250m3 bùn hầm cầu, 1.500 tấn chất thải rắn công nghiệp và 250 – 350 tấn chất thải nguy hại. Ngoài ra, TP còn tiếp nhận mỗi ngày khoảng 1.000 tấn chất thải rắn công nghiệp và 100 – 150 tấn chất thải nguy hại của các tỉnh lân cận.
Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN&MT) cho biết, để giải quyết thu gom, vận chuyển, tái chế xử lý và chôn lấp toàn bộ lượng chất thải nói trên cần hơn 700 xe chuyên chở chất thải rắn sinh hoạt, 100 – 120 xe chuyên chở bùn hầm cầu, 120 – 150 xe chuyên chở chất thải nguy hại và chất thải rắn y tế, hơn 21 DN vận chuyển chuyên chở và 7 DN xử lý chất thải nguy hại. Nếu huy động hết lực lượng chuyên trách khoảng 300 người cũng không thể theo dõi được các xe vận chuyển trên đường. Ông Việt dẫn chứng thêm: “Chỉ tính riêng lĩnh vực quản lý, Sở phải thực hiện 12 – 14 nghìn sổ đăng ký, nếu quản lý thủ công nhập số liệu bằng tay mỗi năm nhập hơn 2 triệu chứng từ”. Ông Việt làm bài toán: nếu mỗi người nhập được 200 chứng từ/ngày cần 10.200 ngày công (tương đương ngày công làm viêc của 40 người trong một năm). Nếu muốn xử phạt DN nào lại phải dò tìm bằng tay, có khi còn gây nhầm lẫn.
Khi kiểm soát bằng công nghệ thông tin Ông Việt cho rằng chỉ có ứng dụng công nghệ thông tin mới là giải pháp duy nhất để giải quyết khó khăn trên. Với phương pháp quản lý hiện đại này, hầu hết các khâu từ thu gom đến xử lý chất thải nguy hại đều được hệ thống quản lý theo dõi chặt chẽ, chính xác qua chứng từ điện tử, thẻ điện tử đã được số hóa. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ của hệ thống định vị toàn cầu và hệ thống quan trắc từ xa. ThS Lưu Đình Hiệp, Phó giám đốc Trung tâm DITAGIS, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết, đơn vị ông đang thực hiện thử nghiệm mô hình thông tin địa lý (GIS) để theo dõi một số xe chở bùn hầm cầu và chất thải nguy hại bằng cách gắn thiết bị định vị (GPS) có kích thước nhỏ gọn lắp vào trục cần lái xe và theo dõi qua máy tính nối mạng. Nếu từ trước đến giờ cơ quan quản lý không nắm được các xe bồn chở bao nhiêu mét khối bùn thải, trên đường đi xe dừng lại ở đâu, bao nhiêu phút, có đổ trộm bùn thải hay không thì sau này việc đó sẽ không còn. Mỗi chủ nguồn thải đều được quản lý bằng chứng từ điện tử, các chủ vận chuyển sẽ biết được xe của mình ở đâu, làm gì thông qua thẻ điện tử và hệ thống định vị toàn cầu. Các số liệu này được truyền đến Sở TN&MT, Phòng Cảnh sát môi trường… qua Internet để lưu lại và xử lý. Còn ông Bùi Tá Long, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết đưa ra chương trình phần mềm H-WASTE để trợ giúp quản lý chất thải nguy hại cho TP.HCM. Phần mềm này hướng đến các mục tiêu: Cung cấp thông tin hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc tổ chức lưu trữ và truy tìm dữ liệu liên quan đến chất thải nguy hại; giám sát thông tin về chủ nguồn thải, chủ phương tiện vận chuyển, chủ đơn vị xử lý trong quá trình lưu thông chất thải nguy hại bằng công nghệ thẻ điện tử; ứng dụng công nghệ điện tử thay thế dần cho chứng từ giấy… Hiện nay Phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN&MT) đang triển khai phần mềm H-WASTE, áp dụng chứng từ điện tử cho các chủ nguồn thải, áp dụng thẻ điện tử và hệ thống định vị toàn cầu cho các chủ phương tiện vận chuyển đồng thời áp dụng hệ thống quan trắc từ xa cho các chủ nguồn thải, chủ phương tiện vận chuyển và chủ xử lý chất thải nguy hại. Sau khi các nghiên cứu này hoàn thiện, sẽ xây dựng chương trình quản lý cho toàn TP và phương án phối hợp với các tỉnh lân cận. Ước tính kinh phí thực hiện khoảng 40 – 50 tỷ đồng, số tiền này có thể lấy từ vốn vay ưu đãi Quỹ Môi trường Việt Nam hoặc từ chương trình biến đổi khí hậu. Để khuyến khích các DN, cơ sở y tế tham gia hệ thống quản lý rác thải nguy hại hiện đại này, Sở TN&MT cho biết, dự định Nhà nước sẽ hỗ trợ phần lớn kinh phí. Tuy nhiên, một số DN vận chuyển rác thải cho rằng, khuyến khích thôi chưa đủ mà phải có chế tài cụ thể. Vì những DN làm ăn chân chính thì không gì phải bàn nhưng những DN chuyên đi đổ bậy họ có tự nguyện gắn các thiết bị này không? |
Quản lý chất thải nguy hại: Đã tìm ra đáp án
10