Thế là UBND Tp.HCM đã có văn bản chấp thuận chủ trương thí điểm xây dựng, khai thác hai tuyến vận chuyển hành khách công cộng bằng đường sông theo đề xuất của Cty TNHH Thường Nhật. Ở một địa bàn sông rạch chằng chịt, đường bộ tắc nghẽn thường xuyên mà bây giờ mới “chủ trương thí điểm” khai thác hệ thống giao thông này để cứu cánh cho áp lực giao thông nội thành thì chắc phải có nhiều điều uẩn khúc. Theo thông tin từ Cty Thường Nhật thì hình thức vận tải tàu buýt đường sông đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Tại những đô thị lớn như London, paris, Bankok, khách du lịch chiếm khoảng 50% tổng số người sử dụng phương tiện giao thông này. Còn với thực trạng đường sá của Sài Gòn hiện nay, công ty kỳ vọng khách du lịch đến Tp.HCM du ngoạn trên sông Sài Gòn chiếm khoảng 30%, còn lại 70% là người tham gia giao thông. Hầu như ai cũng mong cho Cty Thường Nhật thành công bởi bước đi đột phá này và chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi nếu ngon ăn thì có khi chưa chắc đã đến lượt. Hai tuyến buýt đường sông xuất phát từ bến Bạch Đằng (Q.1) theo sông Sài Gòn đến p.Linh Đông, Q.Thủ Đức (tuyến 1) và dọc theo kênh Bến Nghé – Tàu Hủ đến Q.8 (tuyến 2).
Cả hai tuyến có lộ trình dài 11km. Nếu tính cả thời gian dừng bến đón khách thì chỉ cần 30 phút là tàu buýt có thể hoàn tất lộ trình, đưa hành khách từ 2 quận ngoại thành (Thủ Đức, Q.8) vào trung tâm (Q.1), chỉ bằng 2/3 thời gian của buýt đường bộ. Để phục vụ 2 tuyến buýt trên sông, Cty xây dựng 4 bến tàu khách đa năng và 8 bến nhỏ làm trạm đón trả khách. trong giai đoạn 1, Cty sẽ trang bị 8 tàu khách với sức chở 80 khách/tàu, có khả năng chuyên chở khoảng 10 nghìn khách/ngày. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 58 tỷ đồng. Lộ trình xây dựng hệ thống giao thông thủy được Cty Thường Nhật đưa ra gồm hai giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư thí điểm với trọng tâm là các tuyến nội đô. Giai đoạn sau mở rộng và phát triển liên kết toàn Tp.HCM, các tuyến vành đai, kết nối với các đô thị khác như Long An, Thủ Dầu Một, Nhơn trạch, Biên Hòa, Vũng Tàu… Nghe chuyện này lại chợt nhớ đến việc Tp Hà Nội có ý tưởng xây dựng “hầm đường bộ lưỡng tính”, tức là lúc bình thường thì làm đường giao thông nội đô, lúc có mưa lớn có nguy cơ xảy ra ngập lụt thì làm nơi thoát nước khẩn cấp. Cả hai việc giống nhau ở chỗ những ý tưởng này chỉ xảy ra sau những bức bách dường như không thể chịu đựng nổi trong cuộc sống, và ở chỗ không cần sáng tạo gì vì đã có nhiều nước áp dụng rồi và thành công rồi. Thế mới biết nhìn xa trông rộng nó cũng khó thật. Dù sao đi nữa cũng xin hoan hô tàu buýt đường sông! |
Hoan hô buýt đường sông!
3
Bài trước