Thật buồn khi đọc được thông tin: nhiều thủ khoa của các trường đại học vẫn đang long đong đi tìm việc làm. Hôm xem trên tivi buổi tôn vinh các thủ khoa tổ chức tại Văn miếu Quốc Tử Giám, nhiều người đã rưng rưng nước mắt vì sự giỏi giang của con cháu, vì lòng tự hào về lớp trẻ, vì niềm hy vọng về tương lai của đất nước. Giờ đây, khi biết rằng nhiều em vẫn đang chơi vơi trong dòng người đi tìm việc, chẳng thể tránh được sự mủi lòng. Chỉ với con số hơn 130 thủ khoa mà công cuộc mưu sinh còn vất vả như vậy thì với hàng vạn sinh viên ra trường hằng năm, không hiểu cuộc đời các em còn gian nan đến mức nào. Công bằng mà nói thì lỗi không phải từ các em. Để đạt được vị trí thủ khoa, chắc chắn các em đã phải nỗ lực hết mình. Nếu ở nhiều nước khác, các em thủ khoa hoặc tương lai có thể là thủ khoa thường được nhiều công ty hoặc các tổ chức sử dụng lao động có lời mời về làm việc, kể cả khi chưa ra trường chứ không phải long đong lận đận như vậy. Nhưng ở Việt Nam, chẳng lẽ các nhà tuyển dụng trong nước lại chê người tài? Trăm sự là tại chương trình đào tạo hiện nay tại nhiều trường đại học. Ngay các em thủ khoa cũng thừa nhận rằng khi tiếp cận với thực tiễn mới thấy việc học khác xa với việc hành. Các nhà tuyển dụng đều có chung một nhận xét rằng sinh viên tốt nghiệp đại học của ta, kể cả những người tốt nghiệp đạt loại giỏi, đều thiếu tự tin và chưa đủ những kiến thức và kỹ năng để sẵn sàng làm việc bởi khoảng cách quá xa giữa học và hành. Trong khi đó, thực tiễn cuộc sống lại cần những sinh viên học và hành đều thành thục. Một câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Nhiều người và đã nhiều năm trông chờ vào việc cải cách chương trình giảng dạy của ngành Giáo dục – đào tạo nhưng dường như vấp phải một bức tường vô hình. Một số trường đại học, đặc biệt trong khối dân lập, đã có những cải cách riêng của mình để gắn việc học với hành. Cách đây 5 năm, báo chí đã nêu lên một con số ở trường ĐH dân lập Lạc Hồng (Biên Hòa, Đồng Nai) khiến nhiều người giật mình: 98% số sinh viên kiếm được việc làm sau khi ra trường. Tìm hiểu ra mới biết rằng nhà trường đã coi tỷ lệ sinh viên kiếm được việc làm sau khi ra trường là chỉ tiêu số 1 trong mục tiêu đào tạo. Chỉ với 8.000 sinh viên nhưng trường có tới 21 phòng thí nghiệm và xưởng thực hành của 18 ngành nghề đào tạo. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Bí quyết thành công của trường là ở chỗ biến 1.400 nhà máy, xí nghiệp trong 15 KCN trong khu vực là nơi đào tạo thực hành và cũng là nơi đặt hàng nguồn nhân lực cho nhà trường. Gắn nhà trường với các cơ sở sản xuất chắc hẳn không phải là việc mới trên thế gian này và là việc quá khó, không thể vươn tới được. |
Khi học khác xa với hành
1