Sáng qua (30/9), mở đầu phiên họp thường kỳ tháng 9/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các tỉnh miền Trung và Bắc Tây Nguyên tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra.
Theo báo cáo, do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9, từ đêm 29/9 đến 4 giờ sáng 30/9, các tỉnh thành từ Quảng Bình đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to với lượng mưa trên 600mm, đặc biệt ở Nam Đông (TT-Huế) lên đến 875mm. Lũ các sông từ Nam Quảng Bình đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk lên nhanh và ở mức rất cao – trên báo động 3. Mưa lũ đã gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, đặc biệt là các khu vực thấp trũng ven các sông, các vùng địa hình bị chia cắt, cô lập nhiều khu dân cư, có một số nơi hàng ngàn người dân bị cô lập. TP Huế có tới 70% diện tích bị ngập lụt, Đà Nẵng ngập toàn bộ 66 xã… Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, các tỉnh thành miền Trung và Bắc Tây Nguyên đã cơ bản thu hoạch xong phần lớn diện tích lúa đã chín trước khi bão đổ bộ vào đất liền; thông báo, hướng dẫn cho 46.509 tàu thuyền với 193.622 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh; hướng dẫn, sắp xếp neo đậu cho 40.659 tàu thuyền vào nơi neo đậu. Các địa phương trên đã di dời trên 104 nghìn hộ với gần 400 nghìn dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên do mưa rất to, bão lớn, các địa phương đã bị thiệt hại rất nặng nề. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến sáng 30/9, bão số 9 đã làm 38 người chết, 10 người mất tích, 81 người bị thương; làm sập trôi 5.796 nhà; tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng 163.011 nhà; ngập 125.320 nhà; 215 phòng học bị hư hỏng; 12.269 trạm y tế, trụ sở UBND xã, phường, các công trình công cộng bị hư hỏng; 14.167ha lúa và 7.443ha ngô, mía bị dập đổ, 4.522ha các loại hoa màu và 21.416ha cây công nghiệp bị hư hại… Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành cùng với các tỉnh thành miền Trung và Bắc Tây Nguyên phải quán triệt, thực hiện nghiêm các nội dung Công điện khẩn số 1822/CĐ-TTg ngày 30/9 của Thủ tướng Chính phủ để khắc phục hậu quả bão lũ. Thủ tướng nhấn mạnh, phải tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả bão số 9, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại. Thủ tướng đặc biệt đề nghị hai lực lượng Quân đội và Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên để tìm kiếm người mất tích, di dời tiếp những hộ dân trong vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Bộ Y tế phải cử ngay các đoàn đến các địa phương vùng lũ để chỉ đạo, giúp đỡ công tác y tế, nhất là công tác cấp cứu và vệ sinh môi trường…
Phải cứu dân bị cô lập bằng mọi giá Hôm qua (30/9), Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức 2 đoàn đến Kon Tum và Quảng Ngãi. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, cứu hộ dân đang bị cô lập bằng mọi giải pháp, kể cả sử dụng máy bay trực thăng. Lực lượng quân đội đã được tăng cường đến Quảng Ngãi, Kon Tum để cứu hộ, cắm biển báo, giám sát ở các điểm giao thông nước chảy xiết, ngập sâu để tránh hậu quả đáng tiếc cho người tham gia giao thông. Theo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, trong 170 nghìn nhà bị hư hỏng thì có gần 6 nghìn ngôi nhà bị xóa sổ hoàn toàn. 125 nghìn nhà bị ngập, tập trung chủ yếu ở TT-Huế và Quảng Nam. Hàng trăm nghìn dân đang phải sống nhờ người thân hoặc tá túc trong những lán trại dựng tạm bợ, thiếu điện, nước sạch và lương thực. Mạng lưới giao thông vẫn trong tình trạng tê liệt, bởi hầu khắp tuyến đường đều bị sạt lở và ngập sâu, khiến nhiều khu vực bị cô lập. QL15, QL48 có điểm ngập sâu tới 6m. Tuyến đường sắt Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh trên cũng bị gián đoạn. Sau bão, hàng chục nghìn người dân ở miền Trung và Tây Nguyên trở nên tay trắng, mất kế sinh nhai do 14.000ha lúa bị ngập sâu, 1.600ha ao cá, tôm bị ngập và không còn khả năng thu hoạch, 116 tàu thuyền bị chìm lật. |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: Tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả bão số 9
3